Ngư dân các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau... ra khu vực biển thềm lục địa Việt Nam đánh bắt hải sản gọi nhà giàn DK1 là “nhà tình nghĩa”. Vì ở nơi đó, họ được các chiến sĩ nhà giàn DK1 hỗ trợ nước ngọt, rau xanh, muối ăn khi gặp khó khăn, cứu sống khi gặp hoạn nạn, giúp ấm lòng khi gặp gió bão, thiên tai.
Ngư dân các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau... ra khu vực biển thềm lục địa Việt Nam đánh bắt hải sản gọi nhà giàn DK1 là “nhà tình nghĩa”. Vì ở nơi đó, họ được các chiến sĩ nhà giàn DK1 hỗ trợ nước ngọt, rau xanh, muối ăn khi gặp khó khăn, cứu sống khi gặp hoạn nạn, giúp ấm lòng khi gặp gió bão, thiên tai.
* Ngư dân như người thân trong nhà
Câu chuyện xúc động về hai ngư dân Quảng Ngãi đã chết lâm sàng được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nhà giàn Tư Chính 5 (DK1/14) cứu sống vào tháng 4-2001 vẫn in đậm trong ký ức thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 (năm 2001 là Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/14).
Tàu cá của ngư dân vào nhà giàn DK1/10 xin được hỗ trợ nước ngọt và muối. |
Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn kể lại, một trưa tháng 4-2001, khi chúng tôi vừa ăn cơm trưa xong thì chiến sĩ quan sát báo cáo có 2 mục tiêu lạ hướng Đông Bắc đang tiến vào nhà giàn. Mở radar quan sát thì đó là hai ghe của ngư dân Việt Nam. Nhận định chắc chắn trên ghe có người gặp nạn, tất cả CBCS trên nhà giàn lúc ấy không nghỉ trưa, hướng mắt về 2 ghe đang lao nhanh về phía nhà giàn, đồng thời lệnh cho y sĩ nhà giàn chuẩn bị cấp cứu tại chỗ. Hơn một giờ sau, 2 ghe cá đã tiến sát nhà giàn và phát tín hiệu xin được cấp cứu. Sóng đánh mạnh, chiếc ghe tròng trành chao đảo. Chúng tôi chạy xuống sàn cập tàu, tung dây mồi. Một người đàn ông trạc 50 tuổi nói: “Các chú ơi, xin cứu chúng tôi với”. Ông chỉ kịp nói như thế rồi òa khóc. Hai ngư dân bị nạn nhanh chóng được cõng lên nhà giàn. Đại úy, y sĩ Nguyễn Phương Đông nhanh chóng sơ cứu và chẩn đoán cho biết, cả 2 ngư dân bị ngất vì tắc tiểu, nguy cơ vỡ bàng quang và tử vong cao, trong đó có một người đã có dấu hiệu chết lâm sàng. Y sĩ Đông khẩn cấp vô trùng các thiết bị y tế, vừa hô hấp nhân tạo và nhanh chóng luồn ống thông tiểu cho bệnh nhân. Một phút, hai phút trôi qua, nước tiểu không dẫn được ra ngoài, bệnh nhân bắt đầu co giật, mắt trợn ngược, mạch chủ không tìm thấy. Trước nguy kịch ấy, y sĩ Đông đã dùng miệng của mình hút nước tiểu của người bệnh ra (qua ống thông tiểu). Máu và nước tiểu lẫn lộn được hút ra ngoài, cùng với hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Sau hơn 3 giờ được tận tình cấp cứu chăm sóc, 2 ngư dân đã tỉnh lại. Câu đầu tiên họ nói trong nước mắt là: “Xin cảm ơn các anh bộ đội, nếu không có các anh, chúng em đã bỏ mạng ở vùng biển này”. Chủ ghe, ông Dương Văn Út nói trong xúc động: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn các anh. Tình cảm này, chúng tôi ghi ơn trọn đời. Nếu không có các anh cấp cứu, không biết tôi phải nói thế nào với gia đình người thân của họ nữa”. Để tỏ lòng biết ơn, ông Út ngỏ lời gửi lại tiền thuốc và công chữa bệnh, nhưng chúng tôi không nhận, ngược lại còn hỗ trợ mỗi ghe 2 khối nước ngọt, 10kg muối. Đối với 2 ngư dân gặp nạn, mỗi người được cấp 3 ngày thuốc miễn phí và 2 hộp sữa bồi dưỡng sức khỏe. Để tỏ lòng cảm ơn, ông Út đã đem 2 bịch cá tươi và xin ở lại một đêm cho 2 ngư dân khỏe lại.
Bữa cơm chiều thân mật giữa CBCS nhà giàn DK1/14 với ngư dân có thêm món chả cá thu do các ngư dân làm. Ông Út đề nghị: “Từ hôm nay, chúng tôi xin được kết nghĩa với nhà giàn DK1/14 được không? Mỗi lần đi biển, chúng tôi lại tới”. Chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Văn Đoàn bảo: “Các anh cứ yên tâm, mỗi nhà giàn là một điểm tựa tinh thần để ghe, tàu ra đánh bắt hải sản. Bên cạnh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, chúng tôi còn có nhiệm vụ bảo vệ ngư dân nữa. Lúc nào chúng tôi cũng coi ngư dân như người thân trong nhà”.
Từ vụ cứu 2 ngư dân năm 2001 ấy, các nhà giàn DK1 có tên mới là “Nhà tình nghĩa”. Theo lý giải của các ngư dân, gọi như thế để thể hiện tình cảm gắn bó giữa quân và dân.
Sau lần đi biển ấy, về đất liền, ông Út và các ngư dân đi cùng đã kể lại việc 2 ngư dân bị nạn được các chiến sĩ trên “nhà tình nghĩa” cứu sống. Và, họ truyền tai nhau, ở giữa biển xa, có các chiến sĩ hải quân trên “nhà tình nghĩa” thương yêu ngư dân như người thân trong gia đình.
* Ghe là nhà, biển là quê hương, bộ đội nhà giàn là anh em
Ngoài nhiệm vụ canh biển giữ chủ quyền Tổ quốc, các chiến sĩ nhà giàn DK1 còn là chỗ dựa vững chắc cho tàu thuyền, ngư dân ra đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên các vùng biển. Ngư dân ra đánh bắt hải sản ở khu vực nhà giàn Ba Kè chủ yếu đến từ Quảng Ngãi. Ngư dân ra nhà giàn Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Huyền Trân chủ yếu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Nam. Riêng nhà giàn DK1/10, các ghe câu mực ở đây chủ yếu đến từ các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Y sĩ Nguyễn Phương Đông khám bệnh cho ngư dân trên nhà giàn. |
Trung tá Dương Thế Đường, Phó bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng khung quản lý nhà giàn DK1 cho biết: “15 nhà giàn DK1 là 15 điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân. Chúng tôi luôn coi bảo vệ ngư dân là một nhiệm vụ quan trọng. Từ nhiều năm nay, hàng trăm ngư dân được cấp cứu, hỗ trợ nước ngọt, thuốc men, quần áo lao động. Đây là sự sẻ chia, giúp đỡ bà con gặp khó khăn, lúc hoạn nạn trên biển”.
Ông Trần Văn Ơn, chủ ghe câu mực KG-0676 ở tỉnh Kiên Giang, người được CBCS nhà giàn DK1/10 cấp cứu khi bị chân vịt tàu câu chém toạc bụng, xúc động nói: “Mỗi lần đi biển có hàng trăm mối lo. Lo nhất là bị tai nạn lao động hoặc máy hỏng. Những lúc như thế, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là các chiến sĩ trên “nhà tình nghĩa”. Chúng tôi luôn coi các anh bộ đội nhà giàn là anh em ruột thịt”.
Trong mỗi chuyến hải trình đánh bắt xa bờ, điểm tựa vững chắc của các ngư dân là nhà giàn DK1. Dù đánh bắt ở tọa độ nào, các ghe cá vẫn lấy nhà giàn làm “định vị” để xác định hướng đi. Giữa đêm tối mịt mùng, nhìn thấy ánh đèn hải đăng chớp trên nóc nhà giàn, các ngư dân thấy ấm lòng. Khi sóng to gió lớn, được cột dây vào chân đế nhà giàn họ thấy yên tâm. Khi gặp hoạn nạn, họ được các y sĩ nhà giàn cấp cứu, đón tiếp như người thân thiết.
Còn đối với CBCS các nhà giàn DK1, mỗi lần cứu sống được một ngư dân, hỗ trợ nước ngọt, muối ăn, quần áo lao động cho một ghe đánh cá là niềm vui lại nhân lên gấp bội. Bởi họ hiểu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng chính là bảo vệ môi trường hòa bình cho ngư dân, cấp cứu ngư dân gặp hoạn nạn trên biển là mệnh lệnh từ trái tim người lính nơi tuyến đầu sóng gió.
Mai Thắng