Theo thời gian, nghề đóng ghe xuồng ở xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) không còn thịnh hành, mà đang dần bị mai một. Nhiều thợ đóng ghe xuồng đành phải ngậm ngùi chia tay nghề, chỉ còn lại vài người có tâm huyết vẫn bám trụ, gắn bó với nghề bằng công việc sửa chữa, đóng thuê...
Ông Hai Phú trước chiếc ghe cũ. |
Theo thời gian, nghề đóng ghe xuồng ở xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) không còn thịnh hành, mà đang dần bị mai một. Nhiều thợ đóng ghe xuồng đành phải ngậm ngùi chia tay nghề, chỉ còn lại vài người có tâm huyết vẫn bám trụ, gắn bó với nghề bằng công việc sửa chữa, đóng thuê...
* Một thời dĩ vãng
Xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng “Lục tỉnh” nhờ sự giao thương thuận lợi bằng đường sông. Nằm trên nhiều nhánh của sông Đồng Nai, lại giáp với bến phà Cát Lái, cửa ngõ nối TP.Hồ Chí Minh với Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đây đã sớm hình thành một nghề gắn liền với miền sông nước, nghề đóng ghe xuồng. Thời đó, ở huyện Nhơn Trạch, hầu như xã nào cũng có cơ sở đóng ghe xuồng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau.
Đến ấp Phước Lý (xã Đại Phước), hỏi thăm đường đến xưởng đóng ghe của ông Hai Phú thì từ người lớn đến trẻ con ai cũng biết. Bởi trước đây, xưởng của ông thường đóng ghe có trọng tải từ 1-15 tấn cho dân làm nghề chài lưới, đi biển đánh cá. Học nghề từ khi lên 10, đến lúc 30, ông đã vững tay búa, máy cưa. Hơn 20 năm trong nghề, ông Hai Phú đã trải qua không biết bao lần thất bại và cả những giọt nước mắt vui sướng khi tự tay đóng thành công chiếc ghe chài, một loại ghe có trọng tải lớn.
Năm nay gần 70 tuổi nhưng thân hình ông vẫn vạm vỡ, cánh tay với những thớ thịt chắc nịch, làn da in hằn màu sương gió thể hiện cái chất của người thợ quanh năm gắn bó với những khối gỗ nặng trịch. Ông kể lại: “Với người dân vùng sông nước, chiếc ghe được xem như cần câu cơm của mỗi gia đình. Lúc còn nhỏ, tôi mê được một lần cầm chiếc đục, cái cưa nên đã đi học nghề ở trên tỉnh, rồi về mở xưởng làm”. Với ông, ở làng quê nghèo, chính cái nghề này đã nuôi sống không chỉ gia đình ông, mà còn nhiều người khác. Thời trước, mùa nước nổi hàng năm, việc làm không xuể, người trong huyện đến đặt hàng không ngớt. Ngoài dùng để đi chài, bắt cá trên kênh, rạch thì số còn lại theo chân thương lái chở lúa gạo, nhu yếu phẩm bán lại cho người dân khắp các tỉnh miền Tây.
Chia tay ông Hai Phú, chúng tôi tìm đến nhà ông Sáu “xuồng”, để được nghe câu chuyện làm giàu từ nghề đóng xuồng. Bên cạnh ghe, xuồng là loại thông dụng nhất đối với người dân vùng sông nước. Nếu chi phí đóng mỗi chiếc ghe hạng trung từ 30-100 triệu đồng, thì xuồng lại rẻ (giá từ 4-7 triệu đồng/chiếc), dễ làm và nhẹ nhàng hơn. Từ năm 1995 về trước, hầu như mỗi gia đình ở đây đều sở hữu ít nhất một chiếc xuồng.
Từ nhỏ, ông Sáu đã theo cha học nghề. Thời điểm chính vụ thì ở nhà dựng xưởng, thuê vài người thợ trong làng cùng làm, hết mùa lại rày đây mai đó đi đóng thuê. Dáng người nhỏ bé nhưng Sáu "xuồng" là người khá rành nghề. Với ông, đóng xuồng khác đóng ghe, nó không tốn sức nhiều, mà chỉ cần sự tỉ mỉ và chăm chỉ. Bình quân, thợ giỏi có thể đóng được 1 chiếc xuồng trong vòng 3 ngày, nên đem lại nguồn thu nhập khá.
* Mai một nghề đóng ghe xuồng
Sau câu chuyện về cái thời vàng son ấy, các ông Hai Phú, Sáu “xuồng” lại buông tiếng thở dài khi nói về tương lai của nghề. Với họ, không có gì xót xa hơn khi phải từ bỏ công việc mà từ khi sinh ra đã gắn liền với cuộc đời họ.
Đứng nhìn cơ ngơi chính tay họ gầy dựng suốt mấy chục năm qua, giờ phải để trong nhà xưởng cũ nát, họ không đành lòng. Bởi, lớn thuyền thì lớn sóng, có nhiều nguyên nhân làm cho làng nghề này mai một. Ngay như ông Sáu “xuồng”, sinh ra trong gia đình có 3 đời làm nghề đóng ghe xuồng cũng đành ngậm ngùi bỏ nghề tìm việc khác kiếm sống. Bây giờ, khi đã dẹp xưởng gần 6 năm nhưng ông vẫn còn nhớ rõ từng công đoạn để làm nên một chiếc xuồng ba lá.
Cái nắng của buổi trưa tháng 3 khiến mồ hôi người chảy nhễ nhại, thấm ướt áo ông Sáu “xuồng”. Tâm sự về công việc hiện tại, ông chỉ cười mà bảo: “Bây giờ gọi tôi là Sáu “thớt” nha! Tận dụng máy móc có sẵn, tôi mua các loại gỗ tốt về cưa ra từng tấm nhỏ làm thớt. Hàng ngày, chở thớt ra các chợ xã bán được vài chiếc, kiếm chừng trăm ngàn nuôi vợ con”. Đến thăm nhà ông, chúng tôi vẫn được nghe tiếng đục đẽo “bốp bốp, chát chát” hòa cùng tiếng “lẻng xẻng” của máy cưa. Chỉ khác một điểm là gia đình ông không đóng xuồng nữa mà thôi.
Ông Sáu “xuồng” đổi sang nghề làm thớt để mưu sinh. |
Với những người thợ trẻ, chuyện bỏ nghề để tìm việc mới khá dễ dàng, nhưng với các chủ xưởng thì có phần nhọc nhằn hơn, vì đa số họ đã lớn tuổi. Như ông Nguyễn Văn Nữa (54 tuổi) quyết định giăng câu, thả lưới kiếm sống qua ngày. Mấy năm về trước, xưởng đóng ghe xuồng của ông rất nhộn nhịp. Từ khi nguồn gỗ cạn dần, cùng với nhu cầu dùng ghe xuồng của người dân ít hẳn, thì ông chẳng còn mặn mà với nghề. Để đóng ghe xuồng tốt, người thợ phải dùng gỗ sao hoặc sến. Đây là 2 loại gỗ bền chắc và có sức chịu lực tốt, có thể sử dụng ở môi trường nước ngọt và cả nước mặn. Thế nhưng, những loại gỗ này ngày càng hiếm dần, người thợ phải đỏ mắt tìm kiếm mới có.
Dù những người thợ nơi đây vẫn vững lòng tin rằng, nếu còn cù lao, còn kênh rạch thì nghề đóng ghe xuồng sẽ còn tồn tại. Nhưng giờ đây, giao thông đường bộ phát triển mạnh, cộng với hệ thống đê bao được kiên cố nên thói quen đi lại bằng xuồng ghe của người dân giảm hẳn. Anh Lê Văn Tú (34 tuổi), trước đây từng là 1 trong 4 người thợ chính của xưởng ghe ông Hồ Văn Né, cũng đã chấp nhận làm công nhân giày da. “Đôi lúc nhớ nghề lại ghé qua xưởng cũ nhìn ông Né sửa thuyền cho khách. Buồn lắm em à!” - anh Tú nói.
Sau khi dẹp xưởng, ông Né phải xoay xở đủ nghề, cuối cùng ông nghĩ, niềm vui là được cầm cái búa, chiếc đục. Hàng tháng, trước mùa nước nổi, nhiều chủ ghe thường đến nhờ ông Né sửa chữa, bảo dưỡng để chuẩn bị cho chuyến hành trình mưu sinh kéo dài. Mỗi ngày, họ trả cho ông tiền công từ 150-200 ngàn đồng. Thời gian sửa nhanh hay chậm tùy thuộc vào tình trạng tốt xấu và trọng tải của ghe. Chiếc lớn có thể sửa cả tháng, còn loại nhỏ như xuồng độ trong ngày là xong. Bằng cách này, ông Né có thể duy trì được “lửa” nghề, lòng đam mê. Niềm an ủi lớn nhất với những người thợ lâu năm như các ông Hai Phú, Sáu “xuồng”, Văn Nữa… chính là nghề đóng ghe xuồng ở xã Đại Phước dù đã mai một, nhưng ở các xã Phú Đông, Phú Hữu… đã phát triển trở lại.
Võ Nguyên