Tuy đã biết cao nguyên đá Đồng Văn vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất thế giới, nhưng mùa xuân này trở lại vùng biên cương cực bắc Tổ quốc - nơi được xem là... “nóc nhà của Việt Nam”, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước bao nhiêu điều mới lạ…
Tuy đã biết cao nguyên đá Đồng Văn vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất thế giới, nhưng mùa xuân này trở lại vùng biên cương cực bắc Tổ quốc - nơi được xem là... “nóc nhà của Việt Nam”, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước bao nhiêu điều mới lạ…
Mùa hoa cải trên cao nguyên đá Đồng Văn. |
Lần trước tôi đến Hà Giang cách nay vừa đúng 10 năm (năm 2002) và cơ duyên may mắn đã đưa tôi đi khắp 4 huyện: Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn với nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị. Đến giờ trong tôi vẫn còn tươi nguyên cảm xúc của lần đầu vượt “cổng trời” Quản Bạ, nín thở qua đèo Mã Pí Lèng, dốc Chín Khoanh, dạt dào tình đất nước khi leo lên đỉnh Lủng Cú đứng nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay. Tôi cũng đã từng choáng ngợp trước sự bao la, kỳ vĩ giữa trùng điệp núi đồi mông mênh đá tai mèo xám đen lạnh lẽo và không ít lần ngẩn ngơ trước những hàng Sa Mu tươi xanh, bề thế, nhiều vạc hoa Tam Giác Mạch phất phơ thành một mảng màu hồng hồng trắng trắng chập chờn bên bờ đá, vách núi đẹp vô cùng. Tôi cứ tưởng là mình đa cảm, mới lần đầu nhìn loài hoa dại của núi rừng đã vội ngất ngây; sau đó về Hà Nội gặp đồng nghiệp và các nhà nhiếp ảnh có tên tuổi, họ cứ hỏi thăm hoa Tam Giác Mạch rồi đưa những “sáng tác” về loại hoa này trên cao nguyên đá Đồng Văn ra khoe và cho rằng Tam Giác Mạch chính là “quốc hoa” của Đồng Văn; cũng như Dã Quỳ của Tây Nguyên, Đà Lạt; Đỗ Quyên của Bạch Mã, Fansipan; Đào Chuông của Bà Nà… Tôi chỉ biết Tam Giác Mạch mọc hoang thành từng đám bên sườn núi, bờ đá và bắt đầu nở hoa vào tháng 10, rộ nhất là tháng 11 hàng năm. Sau khi hoa tàn, bà con dân tộc Mông tìm đến thu hạt mạch ba góc đem về chế biến làm thực phẩm.
Tôi trở lại Đồng Văn vào mùa… vắng hoa Tam Giác Mạch. Đã thế, thời tiết năm nay trở chứng, đến hết tháng giêng mà hàng Đào cổ thụ trên đường 3 tháng 2 giữa trung tâm huyện lỵ Đồng Văn vẫn chưa nở hoa. Mấy cây Đào cổ thụ cũng thuộc vào loại nổi tiếng nằm cạnh Đồn biên phòng Lủng Cú cũng cùng chung số phận. Lễ tân của khách sạn Công Viên Đá là Nguyễn Thùy Linh, 24 tuổi, người ở thành phố Hà Giang lên Đồng Văn làm việc được 4 năm cho biết: “Hai năm nay, Đào ở Đồng Văn đều nở hoa rất muộn. Năm rồi rét đậm, có băng tuyết ở Phó Bảng nên đến tháng 3, hàng Đào trước UBND huyện mới ra hoa, báo hại các bác nhiếp ảnh ở Hà Nội và ở tỉnh kéo lên Đồng Văn vào dịp Tết như mọi năm trước đó đành bị... lỡ việc. Năm nay không rét hại nhưng cũng rét đậm nên Đào cũng sẽ nở hoa muộn. Bà con sống lâu đời ở đây cho biết, cứ hai năm bị rét đậm thì năm sau đó thế nào Đào cũng nở hoa vào đúng Tết. Tết năm sau anh ra lại Đồng Văn nhé!”. Tôi im lặng vì nghĩ đến khoảng cách trên 2.000 cây số từ Biên Hòa ra Hà Nội rồi ngược vùng cao mới đến được Đồng Văn. Tam Giác Mạch chưa đến mùa, hoa Đào chưa kịp nở…chẳng lẽ cao nguyên Đồng Văn bây giờ chỉ còn một màu xám xịt của đá và đá câm nín giữa màng khói sương lạnh giá bao trùm. Tôi bỗng sực nhớ đến mấy cây Sui cổ thụ trên đường từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn. Hình như loại cây độc đáo này giờ cũng đã biến mất rồi. Lần đầu lên Hà Giang, tôi được các đồng nghiệp nơi đây chỉ cho biết, cây Sui là loại cây từng được đồng bào bản địa bóc vỏ ra để chế biến thành cái mềm đắp chống rét trong nhà. Và, khi cán bộ, bộ đội lên đây, bà con đã nhường hoặc cho đắp chung để sống qua mùa đông biên giới. Nhờ sự giới thiệu đó, tôi mới… “sáng ra” câu thơ: “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” của Tố Hữu mà trước đó đọc thấy thích nhưng hiểu được nghĩa thì rất lơ mơ.
Chưa kịp buồn vì sự thiếu vắng những điều thân quen khi trở lại nơi chốn cũ, tôi bỗng bất ngờ trước một mảng màu vàng rực rỡ bên sườn cheo leo núi đá. Vội đến gần nhìn kỹ, thì ra là vạc hoa cải nở vàng tươi đang rung rinh, đong đưa trước sương gió. Càng đi sâu trên cao nguyên Đồng Văn, tôi thấy những đám hoa cải xuất hiện càng nhiều. Không chỉ hoa cải dầu màu vàng, còn có cải Mèo (cải của người Mông) có hoa trắng, hoa phớt tím trồng xen với nhau cùng nở rộ phất phơ bên bờ đá tạo thành bức tranh rất sinh động và đẹp mắt. Ngẩn ngơ với những thảm hoa cải, tôi lại càng bất ngờ khi khám phá ra có rất nhiều khoảnh cỏ cao sản được “thâm canh” khá kỹ. Đây là điều vô cùng đặc biệt trên một vùng đất (phải nói là vùng đá mới đúng, vì 3/4 diện tích cao nguyên này là đá) mà “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”. Cư dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông quen với tập quán “sống trên đá, chết nằm trên đá” và chịu cảnh “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” này đã chọn cách sống trên núi cao, mỗi năm trồng một vụ bắp bằng cách lấy đất bỏ trong hốc đá rồi tra hạt và nhờ... trời tưới. Đến vụ thu hoạch, đem bắp có năng suất bấp bênh này về đồ làm mèn mén (lương thực chủ yếu như gạo của người Kinh) và ủ nấu rượu. Thân cây bắp gom lại để khô dùng đốt lửa sưởi mùa rét. Mùa khô bà con thường phải đi mất nửa ngày đường để cõng can nước chừng 10 lít về nhà. Đời sống của bà con Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn rất là cơ cực, khốn khó. Niềm vui chỉ là chén rượu ngô ủ men lá uống đến say mèm ở các buổi chợ phiên tại phố huyện. Để xóa đói giảm nghèo, tỉnh Hà Giang đã tập trung mọi nỗ lực mở cuộc vận động bà con người Mông “hạ sơn” tại những địa bàn có nước tại chỗ cùng với đất canh tác bằng phẳng theo chủ trương “một con bò, một bể nước, một mái nhà”. Nhưng 10 năm trước, lúc tôi có mặt ở Đồng Văn thì công việc hạ sơn còn ì ạch lắm, do bà con người Mông không muốn rời khỏi nơi cư trú quen thuộc lâu đời của mình. Bây giờ thì không ngờ, ngoài trồng bắp, bà con người Mông ở Đồng Văn còn mở thêm vụ cải xuân tạo ra nguồn thực phẩm bổ sung tại chỗ; trồng cỏ nuôi bò, nuôi ong lấy mật, tạo ra thương hiệu “mật ong Bạc hà Mèo Vạc” được ưa chuộng trong cả nước. Hai năm gần đây, bà con còn mở ra một hợp tác xã chuyên nuôi gà đặc sản H’Mông ở Quản Bạ lấy tên là Trung tâm gà xương đen xã Quyết Tiến. Đặc biệt, ở xã Sủng Là có cảnh quan xinh đẹp của Đồng Văn, bà con cũng vừa cho vào khai thác dịch vụ du lịch nghỉ trọ có phục vụ văn nghệ, ẩm thực giống như bản Lác ở Mai Châu (Hòa Bình). Chuyện này rất mới, vì bà con người Mông lâu nay sống khép kín chứ ít cởi mở như người Thái. Cũng khá bất ngờ là đầu xuân này vừa qua khỏi cổng trời Quản Bạ, tôi chứng kiến cảnh tụ tập khá đông đồng bào Mông với váy áo rực rỡ vây quanh một cô gái đang… khóc. Thấy lạ, tôi xuống xe đến hỏi thì biết là đám cưới. Hỏi thêm: Đám cưới thì sao lại khóc? Một bà Mông lớn tuổi nói: “Thì xa cha mẹ, con gái phải buồn khóc chứ!”. Tôi rất ngạc nhiên: “Người Mông có tục “kéo vợ”, sao cô gái bị bắt không khóc, mà được cưới lại khóc?”. Thấy bà người Mông cười xòa, còn cô dâu lại khóc dữ hơn, tôi bèn vọt lẹ.
Thiếu nữ vùng cao trong ngày cưới. |
Trước đây lên cao nguyên Đồng Văn, chỉ có văn phòng huyện mới có nhà khách dành cho cán bộ tỉnh về công tác; nay thì thị trấn thị tứ nào trên cao nguyên đá cũng đầy dãy nhà nghỉ, phòng trọ, khách sạn có trang bị máy tắm nước nóng, đèn, quạt hơi nóng. Quán ăn thì đủ các món đặc sản. Duy chỉ có cháo ấu tẩu và thắng cố thì hơi... khó tìm. Đồng nghiệp Lê Đức Dục và Đức Bình trong báo Tuổi Trẻ xuân Nhâm Thìn mới đây gọi cháo ấu tẩu là... cháo thuốc độc; vậy mà nó là món ăn chính của tôi trong những đêm lang thang trong phố cổ Đồng Văn, sau khi nuốt không trôi nửa cái món mèm mén có mùi mốc mốc. Thì ra cũng giống như Đồng Nai, những thứ không còn hoặc đã mất đi bao giờ cũng gây ra chút niềm luyến tiếc, nhưng lại được nhiều hơn cái mới phát sinh. Như Đồng Văn vắng mùa hoa Tam Giác Mạch thì đang nồng nàn hoa cải; ngã ba Vườn Mít ở Biên Hòa không còn cây mít nào, giờ là ngã… năm thênh thang hiện đại; Cây Chàm mất dấu rồi, nhường cho đường Cách mạng tháng Tám rộng gấp đôi. Cái cồn gáo trên sông Đồng Nai nổi tiếng một thời giờ vắng bóng đã cho ra đời trên khúc sông này cầu Đồng Nai 1, Đồng Nai 2…
Bùi Thuận