Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ an toàn tại đường ngang dân sinh qua đường sắt

08:03, 28/03/2023

Toàn tỉnh hiện có 10 đường ngang dân sinh qua đường sắt có người dân địa phương tham gia cảnh giới. Nhờ vậy, thời gian qua, tỉnh không ghi nhận tai nạn tại các vị trí đường ngang nói trên, góp phần giữ an toàn cho xe lửa di chuyển và người dân đi ngang đường sắt.  

Toàn tỉnh hiện có 10 đường ngang dân sinh qua đường sắt có người dân địa phương tham gia cảnh giới. Nhờ vậy, thời gian qua, tỉnh không ghi nhận tai nạn tại các vị trí đường ngang nói trên, góp phần giữ an toàn cho xe lửa di chuyển và người dân đi ngang đường sắt.  

Ông Trương Đắc Thạnh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cảnh giới tại đường ngang trên đường Nguyễn Thành Đồng (P.Quyết Thắng - P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đảm bảo an toàn khi xe lửa di chuyển. Ảnh: Đ.Tùng
Ông Trương Đắc Thạnh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cảnh giới tại đường ngang trên đường Nguyễn Thành Đồng (P.Quyết Thắng - P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đảm bảo an toàn khi xe lửa di chuyển. Ảnh: Đ.Tùng

* “Cánh tay nối dài” của ngành Đường sắt

Tuyến đường sắt đi qua Đồng Nai có chiều dài gần 90km, qua 38 xã, phường, thị trấn của 5 địa phương: Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc. Trên tuyến đường này hiện có 57 vị trí đường ngang hợp pháp (là những nơi có đường bộ giao cắt với đường sắt). Nhiều năm qua, đơn vị chức năng bố trí gác tại 32 điểm, phòng vệ bằng cần chắn tự động tại 23 điểm và phòng vệ bằng biển báo tại 2 điểm.

Ngoài ra, hiện vẫn còn 10 lối đi tự mở ngang đường sắt đang được bố trí người dân làm công việc cảnh giới tại 3 địa phương: Biên Hòa, Trảng Bom và Xuân Lộc. Đáng nói, các tuyến đường này hình thành lâu đời theo nhu cầu đi lại của người dân mỗi ngày nên việc bố trí người dân cảnh giới trước khi đóng hoàn toàn là biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông. Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai, các điểm đường ngang dân sinh có người dân trực gác chắn đã không ghi nhận tai nạn giao thông đường sắt.

Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn Nguyễn Đình Đảng nhận định: “Trên phạm vi địa bàn chúng tôi quản lý là 3 tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai và Bình Dương, công ty đã yêu cầu các địa phương bố trí chốt gác. Riêng tại Đồng Nai đã tổ chức được 10 điểm chốt gác. Đó là một sự quan tâm rất lớn của địa phương. Nhờ chốt gác này mà ít xảy ra tai nạn trên các lối đi tự mở ngang đường sắt”.

* Quan tâm hơn đến công việc cảnh giới

Hiện nay, qua thống kê của Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, tại các vị trí đường ngang dân sinh có khoảng 2-3 người dân cảnh giới trong ngày, chia làm các ca theo thỏa thuận. Mỗi người được chính quyền địa phương hỗ trợ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Công ty CP Đường sắt Sài Gòn liên tục đi kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các hoạt động cảnh giới luôn đảm bảo an toàn.

Hiện công việc cảnh giới lối đi tự mở trên đường sắt gặp không ít khó khăn, chủ yếu liên quan đến ý thức người dân và thiếu thốn về trang bị khi làm việc. Ngoài ra, do người làm công việc này thường xuyên thay đổi nên chủ yếu kỹ năng cảnh giới thường do người cũ hướng dẫn cho người mới, chứ họ ít được tham gia các lớp tập huấn bài bản.

Sở GT-VT thống kê từ giữa năm 2020 đến nay, trong 66 lối đi tự mở ngang đường sắt được ghi nhận, cơ quan chức năng đã rào, xóa bỏ 53 lối. Với 13 lối còn lại đã tổ chức cảnh giới tại 10 lối chưa thể xóa; đã cho rào chắn thu hẹp 3 lối tại TP.Long Khánh, H.Trảng Bom và H.Xuân Lộc.

Ông Trương Đắc Thạnh (64 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) hiện là một trong 3 người dân cảnh giới tại đường ngang trên đường Nguyễn Thành Đồng (P.Quyết Thắng - P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, do chỉ là người dân thực hiện việc cảnh giới, không được trang bị đồng phục nên không ít lần ông bị những người đi đường thiếu ý thức xúc phạm. Nhất là khi ông ngăn họ tìm cách luồn qua barrier đã hạ xuống (do xe lửa sắp tới gần) để qua đường.

Một số người dân làm công việc cảnh giới tại các đường ngang dân sinh kiến nghị, các đơn vị chức năng nên quan tâm trang bị thêm một số vật dụng cần thiết để hỗ trợ việc cảnh giới như: áo khoác phản quang có in logo ngành Đường sắt, đèn pin, chuông cảnh báo xe lửa cho người đi đường… Đồng thời, định kỳ hàng năm, các đơn vị chức năng nên tổ chức tập huấn, củng cố lại kỹ năng, phổ biến quy định mới cho người làm công tác cảnh giới để nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn tại các đường ngang dân sinh.

Trước thực tế đó, ngày 21-3, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn và Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cảnh giới lối đi tự mở trên đường sắt cho những người dân tham gia cảnh giới với mục đích phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật, của ngành Đường sắt về công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí là lối đi tự mở; đồng thời hướng dẫn, xử lý các tình huống nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình cảnh giới, chốt gác…

Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bùi Văn Tuấn cho hay, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông đường sắt đến các địa phương có đường sắt đi qua. Căn cứ tình hình thực tế, Ban sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cảnh giới lối đi tự mở trên đường sắt cho những người dân đang làm nhiệm vụ tại 10 đường ngang dân sinh toàn tỉnh.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều