Báo Đồng Nai điện tử
En

Vi phạm tại 2 trung tâm đăng kiểm: Hoạt động phạm tội có tổ chức

08:02, 06/02/2023

Liên quan đến các vụ sai phạm xảy ra tại 2 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới trên địa bàn tỉnh đang được Công an tỉnh thụ lý, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 23 đối tượng trong 2 vụ án để điều tra về các hành vi đưa và nhận hối lộ.

Liên quan đến các vụ sai phạm xảy ra tại 2 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới trên địa bàn tỉnh đang được Công an tỉnh thụ lý, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 23 đối tượng trong 2 vụ án để điều tra về các hành vi đưa và nhận hối lộ.

Lực lượng công an đọc lệnh bắt khẩn cấp các đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: Công an cung cấp
Lực lượng công an đọc lệnh bắt khẩn cấp các đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Ảnh: Công an cung cấp

Các bị can bị bắt giữ trong 2 vụ án này là giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên của TTĐK xe cơ giới 60-05D (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) và TTĐK xe cơ giới 60-04D (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) và một số tài xế của các nhà xe đã hoạt động phạm tội một cách có tổ chức.

* Bắt 23 cán bộ, nhân viên của 2 TTĐK

Theo điều tra của cơ quan công an, qua công tác trinh sát, lực lượng công an đã nắm được thông tin tại một số TTĐK xe cơ giới trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng người quản lý và nhân viên của các cơ sở này có hành vi nhận hối lộ của các chủ xe cơ giới (chủ yếu là xe tải) để bỏ qua các lỗi kỹ thuật khi đăng kiểm. Hành vi này đã diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh như: Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh đã lên kế hoạch kiểm tra, bắt khẩn cấp các đối tượng liên quan tại 2 TTĐK xe cơ giới nêu trên.

Cụ thể vào chiều tối 10-1, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động bất ngờ ập vào kiểm tra TTĐK xe cơ giới 60-05D khám xét và bắt khẩn cấp ông Nguyễn Ngọc Minh (47 tuổi, Giám đốc TTĐK 60-05D) cùng 9 nhân viên đều là đăng kiểm viên và 2 tài xế của trung tâm này để điều tra về hành vi đưa và nhận hối lộ.

Cũng trong ngày 10-1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và Phòng Cảnh sát cơ động tiến hành khám xét và bắt khẩn cấp 11 đối tượng gồm: giám đốc, phó giám đốc và các đăng kiểm viên của TTĐK 60-04D để điều tra về hành vi đưa và nhận hối lộ.

Trong số các bị can bị bắt giữ có Lương Minh Tú (42 tuổi, Giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D); Trần Đức Duy (42 tuổi) và  Lê Sơn Tuyền (51 tuổi), đều là Phó giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D cùng các đăng kiểm viên. Trong số này còn có Võ Chí Giang (39 tuổi, nhân viên Trung tâm Dạy lái xe Sài Gòn 3T, ở P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) và Lê Tiến Trung (43 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang ở P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng bị bắt để điều tra về hành vi đưa hối lộ.

* Nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng

Theo thông tin điều tra của cơ quan công an, từ năm 2017 đến ngày bị bắt, Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-05D đã chỉ đạo các đăng kiểm viên chủ động gợi ý, yêu cầu các chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện cơ giới chung chi tiền từ
100-400 ngàn đồng để được bỏ qua các lỗi không đạt chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật của các xe cơ giới đường bộ.

Trong quá trình đăng kiểm, ngoài việc các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ thông qua môi giới “cò” là Bùi Quang Thông và Nguyễn Tiến Lan thì các đăng kiểm viên còn nhận tiền “bôi trơn” trực tiếp từ các chủ xe với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Quá trình khám xét TTĐK xe cơ giới 60-05D, lực lượng công an thu giữ hơn 100 ngàn hồ sơ lưu trữ đăng kiểm xe ô tô cùng nhiều tài liệu, thiết bị máy móc liên quan khác.

Tương tự, tại TTĐK xe cơ giới 60-04D, qua điều tra công an xác định, trong quá trình thực hiện quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nhiều đăng kiểm viên và nhân viên đăng kiểm của trung tâm này đã nhận tiền hối lộ của một số cá nhân, tổ chức để bỏ qua những lỗi về tiêu chuẩn kỹ thuật của xe cơ giới để được cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Qua điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định với thủ đoạn này, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến thời điểm bị phát hiện, các đăng kiểm viên của  TTĐK xe cơ giới 60-04D đã nhận hối lộ từ các chủ xe đến đăng kiểm số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, Lương Minh Tú. Giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D thừa nhận đã nhận hối lộ số tiền hơn 3 tỷ đồng.

* Chiêu trò “làm luật” khi đăng kiểm

Theo cơ quan công an, quá trình điều tra xác định, hành vi của các đối tượng trong vụ án của 2 TTĐK nêu trên được thực hiện một cách có tổ chức, bài bản.

Qua điều tra của cơ quan công an, Lương Minh Tú, Giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D khai nhận, để thực hiện hành vi này, Tú đã chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên của trung tâm khi tiếp nhận các xe đến đăng kiểm cần xác định các lỗi kỹ thuật để “làm luật” với chủ xe. Theo đó, ngoài các khoản phí đăng kiểm theo quy định được nạp vào cho bộ phận kế toán, các nhân viên này xác định những xe bị lỗi khi đăng kiểm, đồng thời báo cho chủ xe biết và yêu cầu phải đưa thêm tiền để nhân viên đăng kiểm xóa lỗi và cho đăng kiểm trót lọt.

Trong khi đó, Trần Đức Duy, Phó giám đốc TTĐK xe cơ giới 60-04D thừa nhận, khi có người quen gửi xe vào trung tâm để đăng kiểm nếu phát hiện có các lỗi kỹ thuật thì Duy sẽ cùng các nhân viên bỏ qua lỗi và nhận tiền từ các chủ xe với giá thỏa thuận. Số tiền này sau đó được Duy đưa cho Tú để chia lại cho các nhân viên khác trong trung tâm.

Trao đổi về vụ việc này, thượng tá Phạm Hồng Kỳ, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, đến nay cơ quan công an đã khởi tố 11 đối tượng để điều tra về hành vi đưa và nhận hối lộ. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, hành vi của các nhân viên tại 2 TTĐK nói trên diễn ra có tổ chức. Các đối tượng từ giám đốc đến các nhân viên đã thực hiện hành vi một cách bài bản, liên tục trong suốt thời gian dài. Sau khi phát hiện các lỗi này, các nhân viên sẽ gợi ý với chủ xe để nhận tiền hối lộ rồi làm các thủ tục để bỏ qua các lỗi và cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn cho các phương tiện này.

Hành vi của các đối tượng chủ yếu là bỏ qua các lỗi tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường của các phương tiện xe cơ giới (chủ yếu là xe tải) như: cơi nới, quá khổ, quá tải và xác nhận vẫn đảm bảo thông số kỹ thuật để các xe này lưu thông trên đường.

Thượng tá PHẠM HỒNG KỲ, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, hành vi bỏ qua các lỗi tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn của các phương tiện xe cơ giới của 2 TTĐK nói trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông; gây nguy hiểm cho người và các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng đối với các sai phạm liên quan.

Trần Danh

Tin xem nhiều