Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều góp ý về mô hình văn phòng công chứng

06:06, 06/06/2022

Hơn 7 năm thực hiện, ngoài những kết quả đạt được thì Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ hạn chế, bất cập so với thực tiễn. Vì vậy, hiện nay Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đang thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, công chứng viên trong việc xây dựng đề cương chi tiết Luật Công chứng (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.

Hơn 7 năm thực hiện, ngoài những kết quả đạt được thì Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ hạn chế, bất cập so với thực tiễn. Vì vậy, hiện nay Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đang thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, công chứng viên trong việc xây dựng đề cương chi tiết Luật Công chứng (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.

Công chứng viên Văn phòng Công chứng Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) thực hiện công chứng các loại giấy tờ, hợp đồng cho người dân. Ảnh: Đoàn Phú
Công chứng viên Văn phòng Công chứng Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) thực hiện công chứng các loại giấy tờ, hợp đồng cho người dân. Ảnh: Đoàn Phú

* “Lấn cấn” khi hợp danh

Theo Cục Bổ trợ tư pháp, về cơ bản, đề cương chi tiết Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hành nghề công chứng, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Đáng chú ý, một trong những vấn đề được Cục đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, được nhiều văn phòng công chứng (VPCC) quan tâm là về mô hình tổ chức hành nghề công chứng.

Cụ thể theo Luật Công chứng năm 2014, VPCC phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên, VPCC không có thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật của VPCC là Trưởng văn phòng, Trưởng VPCC phải là công chứng viên hợp danh của văn phòng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Công chứng năm 2014 quy định, VPCC chỉ được hoạt động theo 1 loại hình duy nhất là công ty hợp danh, trong đó phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh là công chứng viên bộc lộ hạn chế. Dẫn tới việc miễn cưỡng hợp danh vì không còn sự lựa chọn nào khác làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh.

Mặt khác, theo Cục Bổ trợ tư pháp, qua thực tiễn thi hành Luật Công chứng năm 2014 cho thấy, do quy định hợp danh cộng với việc quy hoạch, thiếu kiểm soát trong phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, “chuyển nhượng” công chứng viên để đủ điều kiện để thành lập VPCC. Bên cạnh đó, hoạt động công chứng gắn với cá nhân công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chỉ là nơi hành nghề, do đó có thể quy định 1 công chứng viên cũng có thể thành lập VPCC.

Vì vậy, đề cương chi tiết Luật Công chứng (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án là giữ nguyên theo quy định hiện hành hoặc cho phép 1 công chứng viên lập văn phòng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, do 2 công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

* Giúp tiếp cận dịch vụ công chứng thuận lợi hơn

Theo ý kiến một số VPCC tại Đồng Nai, mô hình công ty hợp danh theo Luật Công chứng năm 2014 chưa đáp ứng đủ nguồn công chứng cung cấp cho nhu cầu thiết lập các tổ chức hành nghề công chứng. Dẫn tới các VPCC chỉ phát triển tại các khu vực tập trung dân cư ở các vùng đô thị, còn các khu vực nông thôn khác ít hiện diện các tổ chức công chứng.

Theo VPCC Thạnh Phú (đóng tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu), mô hình công ty hợp danh hiện nay không còn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của đa số công chứng viên, hạn chế tính độc lập tự chủ của bản thân công chứng viên. Thực tế hiện nay với quy định này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong đầu tư, thành lập một tổ chức VPCC đó là chỉ có một công chứng viên làm chủ và các thành viên còn lại chỉ là công chứng viên làm thuê được huy động lấp chỗ cho phù hợp.

Trước vấn đề trên, một số VPCC đã đồng tình với phương án VPCC do 1 công chứng viên thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; do 2 công chứng trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Việc này sẽ góp phần tạo cơ hội cho mọi đối tượng trong xã hội tiếp cận dịch vụ công chứng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Đại diện VPCC Hoàng Long (đóng tại P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) nhận định, phương án trên sẽ khắc phục được tình trạng dư thừa công chứng viên hợp danh ở các tổ chức hành nghề thuộc các địa bàn khó khăn, số lượng hợp đồng, giao dịch hạn chế. Mà thực tế chỉ cần 1 công chứng viên đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN nhận định, việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 là rất cần thiết, giúp phát triển đội ngũ công chứng viên bền vững với số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của từng địa phương. Đồng thời phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với nhu cầu, có mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động công chứng và yêu cầu thực tiễn.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều