Báo Đồng Nai điện tử
En

Ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ: Phải đúng luật

10:03, 31/03/2021

Theo quy định, người dân được quyền giám sát đối với hoạt động của công an nhân dân, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, việc giám sát phải thực hiện theo đúng luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Theo quy định, người dân được quyền giám sát đối với hoạt động của công an nhân dân, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Tuy nhiên, việc giám sát phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Người dân có quyền ghi hình cảnh sát giao thông làm việc nhưng phải đúng quy định pháp luật. Trong ảnh: Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên quốc lộ 20 (đoạn qua H.Thống Nhất). Ảnh: V.Nguyên
Người dân có quyền ghi hình cảnh sát giao thông làm việc nhưng phải đúng quy định pháp luật. Trong ảnh: Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên quốc lộ 20 (đoạn qua H.Thống Nhất). Ảnh: V.Nguyên

Khi thực hiện hành vi này, người dân cần phải tiến hành nghiêm túc, đúng quy định và không gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

* Quy định pháp luật cho phép

Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28-11-2019 của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (gọi tắt là Thông tư 67) quy định, người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải bảo đảm các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác. Khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Khu vực này phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thông tư 67 quy định, người dân sẽ có 5 cách giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gồm: thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (tài xế xe du lịch, ngụ TP.Biên Hòa) cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, ông điều khiển xe lưu thông trên quốc lộ 51 thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và thông báo vi phạm giao thông. Trong quá trình lập biên bản xử lý, ông Dũng dùng điện thoại của mình để ghi lại hình ảnh làm việc giữa hai bên để làm tư liệu xem cách giải quyết của lực lượng CSGT có đúng quy định hay không chứ không dùng cho mục đích nào khác. Trước khi ghi hình, ông có nói rõ với CSGT và được tạo điều kiện thuận lợi.

Tuy nhiên, một số trường hợp lại lạm dụng quy định này làm ảnh hưởng đến hoạt động của CSGT trong khi thực thi nhiệm vụ. Điển hình vụ việc được nhiều cơ quan truyền thông phản ánh thời gian gần đây là vào ngày 20-3, ông T. điều khiển xe ô tô chạy trên xa lộ Hà Nội, khi đến đoạn thuộc khu vực TP.Thủ Đức thì bị lực lượng chức năng lập biên bản các lỗi: không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, không xuất trình giấy đăng ký xe, giấy chứng minh nhân dân. Trong quá trình lực lượng chức năng cẩu xe ô tô của ông T. về trụ sở tạm giữ theo quy định thì ông T. ghi hình livestream trên mạng xã hội.

Chưa dừng lại ở đó, đến chiều 23-3, ông T. cùng một số người đến Đội CSGT Rạch Chiếc để giải quyết vi phạm giao thông. Trong khi ông T. vào làm việc, 3 người khác ở bên ngoài dùng điện thoại ghi hình, livestream trên mạng xã hội nên bị công an mời về Công an P.Tân Phú (TP.Thủ Đức) để nhắc nhở liên quan đến vấn đề trật tự trên địa bàn.

* Ghi âm, ghi hình sao cho đúng luật

Thông tư 67 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư này thay thế Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009. Tại Điều 10 của Thông tư 67 quy định, nhân dân giám sát công an nhân dân phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm trật tự giao thông trên đường tỉnh 768 đoạn qua H.Vĩnh Cửu. Ảnh minh họa: Thanh Hải
Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm trật tự giao thông trên đường tỉnh 768 đoạn qua H.Vĩnh Cửu. Ảnh minh họa: Thanh Hải

Một cán bộ CSGT (Phòng CSGT Công an tỉnh) cho biết, trong quá trình giám sát không được gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng CSGT. Trong những khu vực có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, người dân ghi âm, ghi hình sẽ phải giữ những khoảng cách nhất định. Trường hợp các tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT đang phối hợp với công an truy bắt tội phạm thì người dân cũng cần tránh việc ghi âm, ghi hình, thậm chí livestream gây cản trở đến hoạt động phòng chống tội phạm của công an. Người dân ghi âm, ghi hình giám sát cũng phải phù hợp để đảm bảo an toàn cho mình cũng như lực lượng thực thi công vụ. Đặc biệt, bản thân người vi phạm trước tiên phải chấp hành hiệu lệnh, đưa xe vào nơi xử lý theo quy định mới tiến hành ghi hình.

Luật sư Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh cho biết, việc ghi hình công khai giúp giám sát CSGT tốt hơn, hạn chế được lạm quyền, mâu thuẫn, khiếu nại… không đáng có xảy ra trong quá trình hoạt động thực thi pháp luật. Tuy nhiên, Thông tư 67 hiện vẫn chưa có quy định hướng dẫn chi tiết để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ không bị áp lực; người ghi hình không gặp khó khăn và vi phạm các quy định pháp luật khác.

Theo luật sư Nhân, cần có thêm những quy định chi tiết như: chỉ được ghi hình khi lực lượng đang thi hành công vụ; khoảng cách người dân ghi hình với lực lượng; không được có lời nói xúc phạm, không hành động quá khích, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ. Cơ quan chức năng cũng nên có quy định cảnh báo việc người ghi hình không được sử dụng, phát tán hình ảnh ghi được (nhất là môi trường mạng xã hội) vào các mục đích xúc phạm, vu khống, bôi nhọ lực lượng công an.

 “Thông tin trên mạng xã hội vốn đa chiều, nhiều thông tin không được kiểm chứng. Do đó, nếu người dân phản ảnh trên mạng xã hội thì phải theo quy định của pháp luật và đảm bảo tính khách quan, chính xác chứ không thể cắt ghép, bình luận sai gây ảnh hưởng danh dự nhân phẩm các cá nhân, tổ chức” - luật sư Nhân nói.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều