Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tránh lạm quyền khi giám sát lực lượng cảnh sát giao thông

10:03, 31/03/2021

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28-11-2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (gọi tắt là Thông tư 67), kể từ ngày 15-1-2020, người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được dư luận rất đồng tình.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28-11-2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (gọi tắt là Thông tư 67), kể từ ngày 15-1-2020, người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình đã được dư luận rất đồng tình.

Theo Bộ Công an, việc quy định thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Qua đó đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT; hạn chế các hành vi tiêu cực trong khi thực thi công vụ.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 67, hoạt động giám sát này vẫn còn nhiều băn khoăn không chỉ với lực lượng CSGT mà cả với người dân là phải thực hiện sao cho phù hợp, đúng pháp luật. Trên thực tế cũng đã xảy ra các trường hợp khi CSGT xử lý người vi phạm, đối tượng chống đối, thậm chí hành hung cán bộ làm nhiệm vụ, buộc lực lượng chức năng phải khống chế, bắt giữ. Một số đối tượng lợi dụng quy định này để quay phim, chụp ảnh rồi chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ lực lượng làm nhiệm vụ dẫn đến mất an ninh, trật tự, gây xôn xao dư luận. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đã được pháp luật có chế tài xử phạt.

Để hoạt động ghi hình được diễn ra đúng pháp luật thì cần có những quy định chi tiết, cụ thể hơn nữa nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn trong thực hiện quyền giám sát, tránh được lạm quyền khi giám sát và tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng xử lý những trường hợp thực hiện quyền ghi âm, ghi hình không đúng pháp luật. Tuy luật có cho phép người dân có quyền ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ nhưng khi thực hiện quyền của mình người dân cũng phải có văn hóa, thực hiện đúng pháp luật, không được cắt ghép, bình luận sai lệch bản chất sự việc để đưa lên mạng xã hội gây ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định pháp luật và chấp hành đúng để bảo vệ mình.

Có thể nói, quy định cho phép người dân ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ còn góp phần xây dựng lực lượng CSGT một cách chính quy, đảm bảo tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của lực lượng CSGT khi thực thi công vụ. Quy định này cũng phù hợp với Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn giao thông. Để làm tốt yêu cầu này đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực xử lý vi phạm đúng pháp luật; phải thực sự là lực lượng liêm chính, nhân văn, tận tâm phục vụ trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.   

Hải Dương

 

Tin xem nhiều