Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng vòng lao lý vì cả tin đồng nghiệp

09:11, 06/11/2020

Mức án tù chung thân cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tổng hình phạt là tù chung thân) mà TAND tỉnh vừa tuyên vào chiều 5-11 đối với bị cáo Trần Thị Thùy Dung (37 tuổi), cựu giao dịch viên một ngân hàng thương mại trên địa bàn H.Long Thành là cái giá phải trả của lòng tham.

Mức án tù chung thân cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tổng hình phạt là tù chung thân) mà TAND tỉnh vừa tuyên vào chiều 5-11 đối với bị cáo Trần Thị Thùy Dung (37 tuổi), cựu giao dịch viên một ngân hàng thương mại trên địa bàn H.Long Thành là cái giá phải trả của lòng tham.

Tuy nhiên, tại phiên tòa ai cũng xót xa cho các bị cáo liên quan là: A.T.H.T. (31 tuổi), N.T.H.T. (41 tuổi), L.L.C.T. (37 tuổi), N.H.C.T. (36 tuổi), từng là đồng nghiệp của bị cáo Dung khi họ không tham lam, không vụ lợi nhưng vì cả tin vào bị cáo Dung nên bị tòa xử án tù treo hoặc tù giam từ 1-2 năm do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

* Lợi dụng cả tin của đồng nghiệp, chiếm đoạt tài sản

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Dung lợi dụng sự cả tin của đồng nghiệp, khách hàng để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 28,6 tỷ đồng của ngân hàng và hơn 1,09 tỷ đồng của cá nhân khách hàng N.T.K.

Theo các luật sư bào chữa cho nhóm 4 bị cáo A.T.T.T., N.T.H.T, L.L.C.T., N.H.C.T., bị cáo Trần Thị Thùy Dung đã dùng những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng khoảng thời gian tại phòng giao dịch có đông khách hàng để đánh lạc hướng các đồng nghiệp, khiến các đồng nghiệp sơ suất trong khâu kiểm soát hồ sơ, dẫn đến việc bị cáo Dung thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đồng thời, do 4 bị cáo trên đặt quá nhiều niềm tin vào bị cáo Dung, kèm với sức ép của vị trí công việc phải xem xét rất nhiều hồ sơ cùng lúc trong một khoảng thời gian ngắn khó tránh sơ suất nên vô ý phạm tội.

Cụ thể, với chức trách là giao dịch viên của ngân hàng, trong quá trình thực hiện các giao dịch với khách hàng, Dung đã lợi dụng sự tin tưởng và thiếu hiểu biết về quy trình giao dịch tiền gửi, dùng các thủ đoạn nghiệp vụ yêu cầu khách hàng ký giấy mở tài khoản thanh toán, ký khống trên mẫu phiếu chi tiền, bảng kê giao nhận tiền mặt hoặc bảng kê các loại tiền, lệnh chi và một số loại giấy tờ khác để giữ lại sử dụng vào việc làm phi pháp của mình.

Ngoài ra, cáo trạng Viện KSND tối cao xác định, Dung lợi dụng việc kiểm soát thiếu chặt chẽ của các kiểm soát viên trong hoạt động kiểm soát chứng từ, hoạt động kiểm soát trên phần mềm quản lý của hệ thống ngân hàng, khi thực hiện giao dịch đổi thẻ tiết kiệm hoặc chứng chỉ tiền gửi hoặc ký phiếu cho khách hàng, Dung giao một thẻ tiết kiệm cho khách hàng mang về và giữ lại một thẻ tiết kiệm (theo quy định phải hủy) để sử dụng. Sau khi khách hàng thực hiện xong giao dịch và rời khỏi ngân hàng hoặc khi khách hàng có mặt tại phòng giao dịch để thực hiện một giao dịch khác, Dung sử dụng thẻ tiết kiệm của khách hàng mà mình giữ lại và các biểu mẫu đã có sẵn chữ ký của khách hàng để lập chứng từ rút chiếm đoạt tiền của ngân hàng từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng…

Chính hành vi, thủ đoạn của bị cáo Dung đã khiến 4 nữ đồng nghiệp vướng vào vòng lao lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 5-11, tòa tuyên xử các bị cáo A.T.T.T. 2 năm tù; N.T.H.T. 1 năm 6 tháng tù; L.L.C.T. 1 năm tù; N.H.C.T. 1 năm tù cho hưởng án treo.

* Cái giá phải trả quá đắt

Tại phiên tòa, bị cáo Dung khai nhận dùng thủ đoạn gian dối để qua mặt đồng nghiệp, chiếm đoạt số tiền trên nhằm mục đích kinh doanh nhưng thua lỗ. Bị cáo Dung cũng bày tỏ sự ân hận vì đẩy đồng nghiệp vào vòng lao lý nên trước tòa bị cáo nói: “Thành thật xin lỗi và mong được các đồng nghiệp tha thứ, khoan dung”.

Chỉ vì tin tưởng đồng nghiệp, 4 bị cáo A.T.T.T., N.T.H.T, L.L.C.T., N.H.C.T rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn khi cả bốn người đều nuôi con nhỏ, mất việc làm và đang phải đối diện với án phạt tù.

Trong đó, hoàn cảnh của bị cáo L.L.C.T. khó khăn nhất. Bản thân bị cáo từng phải chật vật để nuôi 2 người con song sinh (sinh năm 2009) khi vợ chồng ly hôn. “Bị cáo không vụ lợi, không bàn bạc, không được chia chác số tiền mà bị cáo Dung chiếm dụng của ngân hàng nhưng cái giá phải trả quá đắt. Mong pháp luật khoan hồng để có điều kiện bên con, chăm con” - bị cáo L.L.C.T. khóc nghẹn khi được tòa cho phép nói lời sau cùng trước khi nghị án.

Trong vụ án này, tòa đã xem xét rất nhiều tình tiết giảm nhẹ cho 4 bị cáo A.T.T.T., N.T.H.T, L.L.C.T., N.H.C.T như: gia đình có công với cách mạng, thành thật khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu, lỗi vô ý... Nhất là được đại diện ngân hàng (người bị hại) đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt.

“Qua theo dõi phiên tòa và phán quyết của tòa mọi người đều rõ, tôi không bình luận gì thêm để khỏi chạm vào nỗi đau của những người mẹ trẻ và người thân của họ. Tuy nhiên, nếu bị cáo Dung thành thật khai rõ số tiền nói trên dùng vào mục đích gì, hiện còn cất giữ ở đâu ngay từ đầu và trước khi tòa tuyên án thì các đồng nghiệp sẽ được tòa xem xét giảm án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Đức, bảo vệ quyền lợi cho 2 bị cáo NT.H.T và L.L.C.T. trước phiên tòa bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều