Báo Đồng Nai điện tử
En

Những phát sinh từ thực tiễn cần điều chỉnh

10:09, 03/09/2019

Qua gần 4 năm (2015-2019) triển khai thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một số quy định của luật và các hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa theo kịp những vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn.

Qua gần 4 năm (2015-2019) triển khai thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một số quy định của luật và các hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa theo kịp những vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại điểm cầu Đồng Nai
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Đ. Phú

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nhiều tỉnh, thành đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật này.

* Cần hoàn thiện quy định về kết hôn

Tại hội nghị nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai, Tòa án nhân dân tối cao và nhiều tỉnh, thành đã kiến nghị cơ quan xây dựng luật nên nghiên cứu ghi nhận chế định ly thân trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 3 năm triển khai Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nhiều tỉnh, thành kiến nghị sớm hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp ly hôn; tranh chấp tài sản; tranh chấp con chung (nuôi dưỡng con chung sau ly hôn, mức cấp dưỡng,  giải quyết tranh chấp ly hôn và nuôi con sau ly hôn, mang thai hộ)...

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định chế định ly thân sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của con cái, các thành viên trong gia đình; minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện... Bên cạnh đó, ly thân còn là biện pháp giúp các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến tới quyết định ly hôn. Trường hợp luật chưa ghi nhận chế định ly thân thì cần nghiên cứu bổ sung ly thân là căn cứ cho ly hôn.

Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định người bị mất năng lực hành vi dân sự không được kết hôn. Trong khi đó tại Điều 22, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, một người chỉ bị mất năng lực hành vi dân sự khi tòa án tuyên bố. Điều này dẫn tới việc có thể hiểu, người chưa bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự (mặc dù người đó mắc bệnh tâm thần hay bệnh khác không làm chủ hành vi) thì vẫn được kết hôn.

* Rắc rối xác định quan hệ cha, mẹ, con

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ, con nhằm bảo đảm tính nhân văn, kịp thời có cơ chế pháp lý khả thi, hiệu quả để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của mình; đồng thời hạn chế được những rủi ro của pháp lý, xung đột pháp lý có liên quan về vấn đề này.

Tuy nhiên, thực tế áp dụng các quy định này vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể như: theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp vợ hoặc chồng không thừa nhận con chung thì phải có chứng cứ và tòa án xác định. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tòa án chỉ giải quyết việc xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ khi có tranh chấp; trường hợp không có tranh chấp thì không thuộc thẩm quyền của tòa án. Do vậy, trong trường hợp có người khác xin nhận là cha của đứa trẻ đó mà vợ chồng đều đồng ý cho họ nhận con thì trường hợp nhận con này thực hiện tại UBND địa phương hay tòa án. Hiện vấn đề này vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau và các tòa thường từ chối giải quyết vì cho rằng, trường hợp này không có tranh chấp nên không thụ lý giải quyết. Đây cũng là vấn đề các ngành chức năng cần quan tâm để có hướng dẫn cụ thể hơn.

Tại Khoản 1, Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Tuy nhiên, theo Tòa án nhân dân tối cao, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về quy định này. Thực tế có trường hợp, người vợ ngoại tình, đứa con mà người vợ đang mang không phải là con của người chồng nhưng vì quy định của pháp luật hiện hành hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng (chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi) dẫn tới việc người chồng không được phép ly hôn trong trường hợp này là không thỏa đáng.

Luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh phát tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Đoàn Phú
Luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh phát tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Đoàn Phú

Tại hội nghị, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, khi cuộc hôn nhân đã trở nên căng thẳng, vợ chồng không còn yêu thương, tôn trọng nhau nữa mà không cho phép ly hôn với trường hợp như trên sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, hành vi bạo hành trong gia đình, ảnh hưởng xấu tới đời sống vật chất, tinh thần của cả vợ chồng và thai nhi. Chưa kể đến việc khai sinh cho con vẫn phải lấy tên cha là chồng cũ (vì không ly hôn được). Trong khi đó, cha thật lại là người khác, dẫn đến sau này giải quyết thay đổi hộ tịch cho đứa con rất phức tạp. Quy định này đã thể hiện sự chưa toàn diện, chưa triệt để trong việc điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội.  

Đoàn Phú

Tin xem nhiều