Tại hội thảo về pháp luật LLTP diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua tại Đồng Nai do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức nhiều tham luận đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế và đề xuất hướng khắc phục cho công tác này.
Tại hội thảo về pháp luật LLTP diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua tại Đồng Nai do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức nhiều tham luận đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế và đề xuất hướng khắc phục cho công tác này.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp thuộc Bộ Tư pháp cho rằng, hiện tại ngành tư pháp chưa có hệ thống quản lý LLTP theo những tiêu chuẩn, yêu cầu đặc thù phù hợp với mục đích của công tác này. Việc không có hệ thống thông tin LLTP độc lập cũng là nguyên nhân cơ bản của tình trạng kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ LLTP cho công dân. Thực chất, việc quản lý LLTP của ngành tư pháp mới chỉ dừng lại ở việc lập, cấp phiếu. Cho nên, công tác này chưa đảm bảo mục đích cơ bản, nhất là hỗ trợ cho quá trình tố tụng hình sự.
Thượng tá Nguyễn Văn Thìn, Trưởng phòng Tàng thư nghiệp vụ của Bộ Công an, trăn trở: "Công tác cấp phiếu LLTP được giao cho sở tư pháp các tỉnh, thành thực hiện. Nhưng các sở tư pháp thì không quản lý, lưu trữ các thông tin, tài liệu về tiền án và căn cước của công dân để làm cơ sở cho việc cấp phiếu. Trong khi đó, ngành công an đang quản lý một khối lượng lớn hồ sơ tài liệu liên quan. Việc phân công, tổ chức như vậy rất bất cập và gây khó khăn cho công dân". Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Chính cũng không hài lòng về cách tổ chức, phân công thực hiện công tác LLTP như hiện nay. Theo ông Chính, thông thường, phòng nghiệp vụ hồ sơ cảnh sát chỉ ghi thông tin về một người có hành vi vi phạm pháp luật khi cơ quan công an tiến hành lập danh chỉ bản. Sau đó, các diễn biến và kết quả xử lý hành vi vi phạm này cơ quan công an có quyền cung cấp hoặc không cung cấp. Do vậy, Sở Tư pháp muốn làm tròn trách nhiệm phải thực hiện xác minh nhiêu khê và thời gian kéo dài. Vấn đề đặt ra là, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được quy định rõ ràng nên còn làm khổ nhau và gây phiền hà cho dân. Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cũng bức xúc: Về lý thì cơ quan kiểm sát cũng có trách nhiệm cập nhật và cung cấp thông tin LLTP như ban hành các quyết định liên quan đến lý lịch, nhân thân người phạm tội, khởi tố, bắt tạm giam... Nhưng thực chất, VKSND không phải là cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định hạn chế hoặc tước quyền công dân của người vi phạm. Do vậy, VKSND không phải là cơ quan cung cấp các thông tin về LLTP. Từ thực trạng này đã gây ra tình trạng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật có liên quan đến LLTP ở nước ta thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Theo thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, pháp luật cần sớm xác lập và định rõ, phiếu LLTP có giá trị pháp lý chứng minh tư cách đạo đức của một con người. Phó vụ trưởng Vụ hành chính tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Toàn thì nói: "Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với việc ban hành Luật LLTP phải xây dựng được hệ thống quản lý LLTP thống nhất, hiệu quả để khắc phục những hạn chế, bất cấp đang tồn tại". Thượng tá Nguyễn Văn Thìn đề nghị cụ thể: Nên tổ chức quản lý LLTP theo mô hình công an quản lý tàng thư căn cước và cập nhật án tích; VKSND và TAND cung cấp thông tin xử lý đối tượng phạm tội và cơ quan tư pháp cung cấp đầy đủ, chính xác những thay đổi, bổ sung về hộ tịch cho công an. Khi cần thiết, sở tư pháp các tỉnh, thành căn cứ vào kết quả xác minh của công an cung cấp để xem xét cấp LLTP cho công dân...
PV