Báo Đồng Nai điện tử
En

Khiếu nại, tố cáo còn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp

08:03, 13/03/2008

Đánh giá của UBND tỉnh cho biết, năm 2007, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Tình trạng KNTC đông người, vượt cấp vẫn diễn biến phức tạp.

Đánh giá của UBND tỉnh cho biết, năm 2007, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Tình trạng KNTC đông người, vượt cấp vẫn diễn biến phức tạp.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Nga (đứng) đang tiếp và giải quyết khiếu nại của công dân.

* Khiếu kiện còn diễn biến phức tạp

 

Đất đai vẫn là lĩnh vực gây ra nhiều vụ khiếu kiện nhất hiện nay. Nhiều người dân đã tổ chức thành các đoàn đến khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân của cấp huyện và thời gian gần đây xu hướng "lên tỉnh" KNTC ngày càng nhiều. Cá biệt, có một số trường hợp còn đến văn phòng tiếp dân của các cơ quan trung ương để khiếu nại.

Thống kê của Phòng tiếp dân và Thanh tra tỉnh cho biết, bình quân mỗi tháng có trên 120 lượt công dân đến các cơ quan này khiếu kiện. Ngoài ra, tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, hàng tháng cũng tiếp và thụ lý gần 40 vụ khiếu nại của công dân. Nội dung khiếu nại chủ yếu về bồi thường, tái định cư, giải tỏa. Trong đó, nổi lên các dự án phát sinh nhiều khiếu kiện là: Khu dân cư Bắc Sơn, An Viễn và khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom); dự án mở rộng KCN Amata (TP.Biên Hòa); khu đô thị du lịch Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) cùng một số dự án tại các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu... Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm, sang nhượng trái phép và tranh chấp đất giữa công dân với các đơn vị quân đội đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đáng lưu ý là một số vụ đã có quyết định giải quyết cuối cùng hoặc đã được các cấp, ngành xem xét, thống nhất xử lý đúng chính sách, pháp luật nhưng công dân vẫn không chấp nhận. Từ thực tế đó, nhiều người đề nghị nhà nước cần có biện pháp chế tài đủ mạnh cũng như cần có quy định "ngưỡng" cho người khiếu kiện.

Về tính chất của các vụ khiếu nại, ông Nguyễn Hoàng Lưu, Chánh thanh tra tỉnh cho biết, gần đây có việc những người khiếu nại ở các địa phương khác nhau tổ chức liên kết khiếu nại tập thể để gây áp lực cơ quan nhà nước phải giải quyết theo yêu cầu. Nhiều vụ khiếu nại rất gay gắt, đưa ra yêu sách với xu hướng khiếu kiện vượt cấp. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhiều người dân không đồng tình, bất hợp tác, từ chối hoặc cố ý ngăn cản, chống đối lại. Nguyên nhân có một phần của sự bất cập về pháp luật, nhất là các quy định về đất đai nên giá bồi thường không thống nhất. Nhiều hộ dân bị thu hồi đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên đã khiếu nại đòi các điều kiện khác cũng đang ngày càng phổ biến. Nhiều người dân cảm thấy quyền lợi của mình bị thiệt thòi, không cần biết đúng sai (về pháp luật) cứ đi khiếu nại. Nếu "thắng kiện" thì vui, không thì hầu như chẳng thiệt hại hoặc bị xử lý gì. Điều đó, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, vô tình "đẩy" người dân đến với KNTC ngày càng nhiều. Một số người dân do ít am hiểu pháp luật khi đi khiếu kiện đã bị "cò" lừa đảo và kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, kích động.

 

* Những bất cập cần được tháo gỡ

 

Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở, không ít vụ KNTC liên quan đến hành vi làm trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trên lĩnh vực địa chính, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Song, phần lớn các vụ khiếu kiện tập trung chủ yếu là về thu hồi đất, đền bù, giải tỏa. Nhiều vụ KNTC dai dẳng có một phần là do các cơ quan chức năng chậm giải quyết, chậm trả lời. Theo thống kê của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, 6 tháng cuối năm 2007, cơ quan này đã chuyển đi 242 đơn thư khiếu nại của công dân đến các cơ quan chức năng, đúng hạn chỉ khoảng 45% đơn là có phúc đáp, giải quyết. Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, tổ chức Mặt trận thực hiện chức năng tiếp nhận và chuyển đơn thư KNTC của công dân đến các cơ quan hành chính, nhưng thường thì... ít nhận được hồi báo. Tuy nhiên, ông Ngôn cũng nhìn nhận: "Qua theo dõi thì phần lớn những vụ khiếu nại đã được các cơ quan nhà nước giải quyết đúng pháp luật".

Người dân có đất bị thu hồi trong khu dân cư An Viễn đang trình bày khiếu nại với các cơ quan chức năng của tỉnh.

Song, KNTC gia tăng cũng có phần trách nhiệm của một số cấp, ngành. Trên lĩnh vực đất đai, việc công khai quy hoạch, phương án đền bù, giải tỏa, tái định cư ở một số dự án thực hiện chưa đúng trình tự; kiểm kê, áp giá bồi thường thiếu chính xác, chưa thật công tâm. Đất công, nhất là đất quốc phòng quản lý chưa chặt chẽ. Công tác dân vận, hòa giải ở cơ sở liên quan KNTC còn nhiều hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân, nhất là Luật Đất đai, Luật Khiếu nại - tố cáo chưa được các cơ quan chức năng chú trọng và thực hiện có hiệu quả.

Năm 2007, các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện đã tiếp 7.772 lượt công dân; tiếp nhận 2.024 đơn khiếu nại, tăng 577 đơn và 129 đơn tố cáo, tăng 4 đơn so với năm 2006. UBND tỉnh đánh giá, tình hình khiếu nại vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Tuy nhiên, việc giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh cơ bản là ổn định, đi vào nề nếp theo đúng trình tự pháp luật.

Bên cạnh đó, trách nhiệm giải quyết KNTC của các cơ quan chức năng và một số cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ chưa thực thi nghiêm túc.Theo Chánh văn phòng UBND tỉnh Phạm Minh Đạo (trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 12 HĐND tỉnh khóa VII diễn ra vào cuối năm 2007), thì giữa các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc tham mưu giải quyết đơn thư KNTC của dân. Một số chuyên viên trực tiếp thụ lý, đề xuất hướng giải quyết chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Do đó, nhiều vụ, đơn thư KNTC của dân chậm được giải quyết, phúc đáp.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Huỳnh Văn Lưu thì cho rằng, không ít vụ tranh chấp có phần do cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật. Trong đó, nổi lên khá phổ biến là đo vẽ thửa đất thiếu chính xác về diện tích, ranh mốc... Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Đức bức xúc: "Không ít vụ khiếu kiện về đất đai cho thấy, các lô đất có cùng vị trí nhưng khi giải tỏa cơ quan chức năng lại áp giá bồi thường rất cách biệt và ai "chịu khó" khiếu nại thì sẽ được nâng lên. Cách giải quyết như vậy không khác nào xúi dân đi khiếu kiện". Vì vậy, ông Đức đề nghị cần có biện pháp chế tài đối với các cán bộ làm trái quy định, tham mưu sai trong giải quyết KNTC cũng như các công việc hành chính khác.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Nga: "Nhiều giải pháp hạn chế và giải quyết có hiệu quả KNTC"

Để giải quyết KNTC có hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chỉ thị của cấp trên về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị; củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân. Tiếp tục rà soát các vụ khiếu kiện kéo dài, đông người, phức tạp và chỉ đạo giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ và khẩn trương giải quyết KNTC, nhất là tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của mình và quá trình giải quyết cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể để tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Thanh tra tỉnh và cấp huyện tăng cường kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, ngành trong giải quyết KNTC. Tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tập huấn các luật liên quan cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng tham mưu trong giải quyết đơn thư khiếu kiện của dân. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân cần tập trung nhiều đến các lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Bên cạnh đó, cần rà soát, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện chậm hoặc cố tình trì hoãn. Đồng thời cần quan tâm sâu sát đến cuộc sống của người dân để có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân ổn định cuộc sống, ngăn chặn không để kẻ xấu lợi dụng, kích động khiếu kiện.

Ông Tạ Trung Hiếu, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh: Cần chấn chỉnh mối quan hệ, phối hợp trong tham mưu, đề xuất

Bên cạnh với các giải pháp của UBND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị cần tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở và thực hiện tốt việc đối thoại với người khiếu kiện trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải công khai lịch tiếp công dân và thực hiện đúng thời gian quy định. Quan trọng không kém là cần chấn chỉnh mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn để việc tham mưu, đề xuất giải quyết KNTC đúng trình tự, thủ tục và thời hạn.

                                                                               PV (ghi)

Trường Quân

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều