Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nạn nhân chất độc da cam Đồng Nai phản đối phán quyết của tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ về vụ kiện da cam Việt Nam

10:03, 12/03/2008

Ngày 22-2-2008 tại New York (Hoa Kỳ), Tòa phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ đã đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm ngày 10-3-2005, bác đơn kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các Công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam (CĐDC)/dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Đoàn đối thoại Việt - Mỹ thăm một gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin ở phường Tân Phong.

Ngày 22-2-2008 tại New York (Hoa Kỳ), Tòa phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ đã đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm ngày 10-3-2005, bác đơn kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam trong vụ kiện các Công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam (CĐDC)/dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Bày tỏ thái độ trước phán quyết trên của phía Tòa án Hoa Kỳ, ông Võ Minh Quang, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Đồng Nai nhấn mạnh: "Tòa phúc thẩm Mỹ đã  phán quyết hết sức phi lý, thiên vị và không công bằng,  không phù hợp với thực tế về hậu quả của CĐDC/dioxin đối với các nạn nhân Việt Nam!"

Ông Quang cho rằng, hơn 30 năm qua, hàng triệu nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, trong đó có hơn 13 ngàn nạn nhân ở Đồng Nai phải gánh chịu những hậu quả hết sức đau lòng về bệnh tật và nghèo khó. Thời gian qua, nếu không có các chính sách của Nhà nước Việt Nam và sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì chắc chắn cuộc sống của các gia đình nạn nhân sẽ còn bi đát hơn. Đây là một thực tế mà lẽ ra Chính phủ Mỹ phải thấy và phải bồi thường cho các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Phán quyết của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ còn bất công ở chỗ, khi Chính phủ Mỹ đã và đang trợ cấp cho những cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm CĐDC/dioxin thì những nạn nhân trực tiếp của Chiến dịch "hủy diệt" Ranch Hand tại Việt Nam lại không được thừa nhận. Điều đáng nói là trong thời gian gần đây, Đoàn đối thoại Việt - Mỹ đã có những nỗ lực rất cụ thể để giúp đỡ các nạn nhân da cam ở các địa bàn "nóng" về dioxin như Đà Nẵng, Đồng Nai; các tổ chức, cá nhân Mỹ khi thăm hỏi, tiếp xúc với nạn nhân CĐDC/dioxin đều thừa nhận rằng, sự hủy hoại của dioxin là quá khủng khiếp. Nhiều người khi tận mắt thấy những cơ thể quặt quẹo, hoặc đang chết dần chết mòn vì bệnh tật dày vò, họ đã xúc động rơi nước mắt. Vì vậy, nước Mỹ không thể làm ngơ với tội ác mà họ đã gây ra suốt 10 năm (1961-1971) ở Việt Nam; cũng như không thể thờ ơ trước nỗi đau mà các nạn nhân đã phải gánh chịu. "Tôi cho rằng, các nạn nhân CĐDC/dioxin không còn sự lựa chọn nào khác là tiếp tục đấu tranh đòi công lý; tiếp tục kháng cáo lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ. Với trách nhiệm là Hội của các nạn nhân da cam, chúng tôi sẽ xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam trong việc vận động dư luận quốc tế, nhất là nhân dân Mỹ ủng hộ vụ kiện và đòi công lý, công bằng cho nạn nhân da cam Việt Nam..." - ông Quang nhấn mạnh.

T.N

 

 

Tin xem nhiều