Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có luật về quản lý lý lịch tư pháp

11:03, 07/03/2008

Việc giải quyết, cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) theo Thông tư liên tịch 07 đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân. Nhưng trước tiến trình hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh ở nước ta hiện nay, nhu cầu xin cấp phiếu LLTP của người dân gia tăng, đồng thời công tác quản lý, cấp phiếu LLTP cũng đã bộc lộ nhiều điều bất cập, vướng mắc.

Việc giải quyết, cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) theo Thông tư liên tịch 07 đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân. Nhưng trước tiến trình hội nhập quốc tế đang được đẩy mạnh ở nước ta hiện nay, nhu cầu xin cấp phiếu LLTP của người dân gia tăng, đồng thời công tác quản lý, cấp phiếu LLTP cũng đã bộc lộ nhiều điều bất cập, vướng mắc.

 

Hội thảo về pháp luật LLTP được tổ chức tại Đồng Nai.

 Ở nước ta, hiện nay nổi lên một thực tế đáng quan ngại: việc thực hiện chức năng quản lý LLTP của ngành tư pháp mới chỉ dừng ở việc "lập và cấp phiếu LLTP", còn việc tra cứu, xác minh LLTP thì chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống hồ sơ nghiệp vụ của công an. Hệ thống hồ sơ công an được xây dựng nhằm phục vụ chủ yếu cho công tác điều tra tội phạm nên không cập nhật đầy đủ những thông tin về kết quả của quá trình tố tụng tiếp sau đó, như: Bị cáo có bị kết án hay không, mức án như thế nào, việc thi hành án ra sao? Đặc biệt là vấn đề xóa án tích, nhất là các trường hợp đương nhiên được xóa án tích... Mà những thông tin đó thì đòi hỏi độ chính xác cao để cơ quan quản lý LLTP có căn cứ khẳng định chính thức là người xin cấp phiếu có hay không tiền án. Do vậy, để bảo đảm tính chính xác, trong nhiều trường hợp, ngoài nguồn thông tin từ công an, cơ quan tư pháp còn phải chủ động tra cứu thông tin tại tòa án và nơi cư trú của đương sự. Vì thế việc giải quyết cấp phiếu LLTP cho công dân thường kéo dài về mặt thời gian. Bên cạnh đó, việc quản lý LLTP như hiện nay chưa đảm bảo được mục đích cơ bản và chủ yếu là hỗ trợ cho quá trình tố tụng hình sự và phát huy tác dụng trong một số lĩnh vực quản ý nhà nước như: Cấp phép hành nghề đối với một số ngành nghề đòi hỏi tư cách pháp nhân, đạo đức của người phụ trách, tuyển dụng công chức nhà nước...

Để việc quản lý nhà nước về LLTP phù hợp với pháp luật của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, thì  việc ban hành văn bản pháp luật trên lĩnh vực này thực sự cần thiết cho tiến trình hội nhập. Dự án Luật LLTP đã được đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2008. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với việc ban hành Luật LLTP là xây dựng được hệ thống quản lý LLTP thống nhất, hiệu quả.

Tại cuộc hội thảo khoa học về "Pháp luật LLTP" do Ủy ban Tư pháp Quốc hội phối hợp với Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada (PIAP) vừa tổ chức tại Đồng Nai, dự thảo Luật LLTP dự kiến xây dựng hệ thống cơ quan quản lý LLTP độc lập theo như mô hình của một số nước: Pháp, Đức, Bỉ... được đưa ra bàn thảo. Trong bối cảnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hệ thống quản lý LLTP dự luật cần xây dựng trên cơ sở tận dụng tiềm năng sẵn có của các hệ thống dữ liệu chuyên ngành hiện hành như: hệ thống hồ sơ nghiệp vụ của ngành công an, án lưu của tòa án, cơ sở dữ liệu về thống kê tội phạm của viện kiểm sát. Đặc biệt là tiếp tục củng cố và kết nối với những cơ sở dữ liệu này nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu LLTP thống nhất để phục vụ cho hoạt động tố tụng cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Trong quá trình thảo luận, có hai mô hình hệ thống cơ quan quản lý LLTP được đưa ra xem xét, lấy ý kiến. Đó là mô hình cơ quan LLTP được xây dựng theo 2 cấp (gồm trung tâm LLTP quốc gia và trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh) và mô hình cơ quan LLTP được xây dựng theo vùng. Khi có yêu cầu tra cứu hoặc cấp phiếu LLTP các địa phương có thể tra cứu, lấy thông tin tại trung tâm quốc gia hoặc cấp vùng. Ý kiến khác được đưa ra là chỉ nên kiện toàn việc quản lý LLTP như hiện nay và chấn chỉnh, củng cố lại việc phối kết hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc lập và cấp phiếu LLTP.

Phiếu lý lịch tư pháp là gì?

Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là một loại giấy tờ pháp lý giúp một cá nhân (công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú nhất định tại Việt Nam) chứng minh về nhân thân, đạo đức của mình khi tham gia một số quan hệ như: Xin việc làm, xuất cảnh, thành lập doanh nghiệp, xin thôi hoặc nhập quốc tịch...

LLTP còn là hồ sơ ghi nhớ các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền với nội dung cấm hoặc hạn chế các quyền của một cá nhân trong các lĩnh vực hình sự, dân sự,  kinh tế và hành chính.

Xác định việc giải quyết cấp phiếu LLTP là một hoạt động phục vụ của Nhà nước nhằm giúp công dân thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của họ và do chính người dân chủ động yêu cầu cấp, thực hiện tinh thần cải cách hành chính, năm 1999 Thông tư liên tịch số 07 được ban hành. Đây là văn bản chứa đựng các quy phạm về quản lý LLTP, đồng thời là cơ sở pháp lý duy nhất quy định một cách thống nhất trình tự, thủ tục, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan (Tư pháp, Công an) trong quá trình giải quyết việc cấp phiếu LLTP theo yêu cầu của công dân.

Qua 9 năm thực hiện Thông tư liên tịch 07, việc cấp phiếu LLTP đã trở thành một hoạt động thường xuyên của các Sở Tư pháp trong cả nước. Tính đến nay cả 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện việc cấp phiếu LLTP cho 508.198 trường hợp (bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài. Trong đó phiếu LLTP cấp cho người nước ngoài đã từng cư trú ở Việt Nam chiếm 5,5%). Sự phát triển của nền kinh tế thị trường phù hợp với việc đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế đặc biệt trước xu thế hội nhập quốc tế, nhu cầu xin được cấp phiếu LLTP ngày càng tăng cao và đang dự báo có xu hướng tiếp tục tăng mạnh. Nếu năm 1999 trong cả nước chỉ giải quyết cho 6.892 trường hợp xin cấp phiếu LLTP thì năm 2000 đã tăng lên đến 31.745, thì năm 2003 vọt lên 67.129 và năm 2007 vừa rồi là 117.822 trường hợp. Bên cạnh TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội thì các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có nhu cầu xin cấp phiếu LLTP với số lượng lớn. Tình trạng "quá tải" trong việc cấp phiếu LLTP và nạn "cò" xin phiếu LLTP cũng đã xảy ra ở một vài tỉnh, thành phố có đông người xuất cảnh đi hợp tác lao động ở nước ngoài...

Bùi Thuận

Thẩm phán Michael F.Brow và bà luật sư Lori Newton là những chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật của Canada bày tỏ sự ủng hộ trong việc xây dựng dự án luật của Việt Nam và  cho rằng cách làm như vậy là cởi mở, dân chủ, công khai cũng như có tinh thần cầu thị. Ông thẩm phán Michael F.Brown gợi ý là Việt Nam muốn xây dựng mô hình quản lý LLTP theo kiểu gì thì trước hết phải xác định cho được đối tượng và phạm vi điều chỉnh trong lĩnh vực LLTP.

Chủ trì hội thảo, bà Lê Thị Thu Ba, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao những đề xuất về việc xây dựng mô hình quản lý LLTP do các chuyên gia pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại diện Sở Tư pháp Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... Bà cho biết, Ủy ban Tư pháp sẽ củng cố thêm các luận chứng và thảo luận cụ thể thêm các vấn đề trước khi trình ra Quốc hội xem xét quyết định.

Lê Biên Hùng

 

Tin xem nhiều