Báo Đồng Nai điện tử
En

Đã làm rõ được nhiều vụ lừa đảo tài chính qua mạng ở Đồng Nai

09:02, 20/02/2008

Qua bài: "Một tập đoàn đầu tư tài chính đang huy động vốn ở Biên Hòa với lãi suất cao: Phải chăng là hoạt động lừa đảo?" (đã đăng trên báo Đồng Nai), lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an tỉnh đã vào cuộc. Đến nay, cơ quan PC15 đã bước đầu làm rõ được nhiều đường dây lừa đảo tài chính qua mạng Internet với số tiền lên đế nhiều tỷ đồng.

Qua bài: "Một tập đoàn đầu tư tài chính đang huy động vốn ở Biên Hòa  với lãi suất cao: Phải chăng là hoạt động lừa đảo?" (đã đăng trên báo Đồng Nai), lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) Công an tỉnh đã vào cuộc. Đến nay, cơ quan PC15 đã bước đầu làm rõ được nhiều đường dây lừa đảo tài chính qua mạng Internet với số tiền lên đế nhiều tỷ đồng.

 

Ở địa bàn TP. Biên Hòa, bước đầu công an đã phát hiện 13 người tham gia việc tổ chức "đầu tư" qua nhiều trang web. Trong đó đáng lưu ý có Nguyễn Tiến Quý (sinh năm 1963, ngụ tại 238 tổ 3, KP2, phường Tân Hiệp) tham gia vào trang web www.colonyinvest.net từ ngày 6-6-2007 với số tiền ban đầu là 35,2 triệu đồng. Sau đó Quý giới thiệu cho 7 người nữa tham gia với số tiền lên đến 112 triệu đồng và 1.000 USD. Khai nhận tại cơ quan điều tra, Nguyễn Tiến Quý cho biết là qua vụ này anh ta kiếm được 6.000 USD lãi nhờ bán điểm lại cho Trần Trung Phiến ở 238/5, KP2, phường Tân Mai và một người tên Kim (không rõ địa chỉ). "Làm ăn"... mặn nhất là Trần Trung Phiến. Ban đầu tham gia "đầu tư" qua trang web: www.colonyinvest.net  với Nguyễn Tiến Quý chỉ 1.000 USD, một tuần sau Phiến đưa vào thêm 8.000 USD bằng cách mua điểm và trả tiền cho người đàn ông tên Kim tại quán cà phê Netviet trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh) với nhiều tên giao dịch khác nhau. Sau đó Phiến bán điểm lại cho những người khác và thu về được 176 triệu đồng (tính ra lời được trên 36 triệu đồng). Chưa hết, Phiến còn "đầu tư" vào các trang web khác với số tiền lên đến 10.500 USD. Nhưng trong quá trình đầu tư, Phiến thường tìm cách rủ rê bán điểm cho người khác và chuyển tiền lời qua tài khoản ngân hàng. Tính ra từ đầu tháng 7 đến 11-11-2007, Trần Trung Phiến đã chuyển vào tài khoản của mình 2 tỷ 888 triệu đồng. Cũng trong thời gian đó, Phiến lần lượt rút tiền mặt ra chỉ còn trong tài khoản có 137.718 đồng. Tham gia vào đường dây của Trần Trung Phiến còn có Trịnh Thị Ngọc Hương (sinh năm 1980). Cô nhân viên của Ngân hàng ngoại thương chi nhánh Đồng Nai này không chỉ "đầu tư" 1.000 USD mà còn giới thiệu cho 5 người nữa tham gia vào trang web của Phiến 4.000 USD.

Trong số  5 người này, Trần Duy Phương (sinh năm 1978, ở 2/1 tổ 15, KP3, phường Trảng Dài tham gia lần đầu vào ngày 16-7-2007 chỉ với 1.000 USD, nhưng 3 lần sau đó đã "đầu tư" thêm đến 27.100 USD bằng hình thức mua điểm của Trần Trung Phiến và 2 người khác. Tính đến ngày 16-10-2007, tổng số tiền lãi mà Phương "kiếm" được là 2.900 USD. Và Phương "đầu tư" trở lại cho Colonyinvest 10.000 USD. Cũng như Phiến, Quý, Hương... sau khi tham gia vào đường dây "đầu tư tài chính" qua mạng, họ đều tìm cách rủ rê, giới thiệu cho người khác. Võ Duy Phương đã nhận 3.100 USD của 5 người quen để... "giúp" họ đầu tư kiếm lời. Trong số đó có Phạm Văn Thơm (sinh năm 1982, ngụ tại 105, tổ 4, ấp Đồng, xã Phước Tân, huyện Long Thành) tham gia bằng cách bán 1 lô đất trị giá 680 triệu đồng cho Phương. Phương đặt cọc 280 triệu đồng, nhưng chỉ đưa cho Thơm 100 triệu đồng, còn 180 triệu đồng Phương "giúp" Thơm... "đầu tư qua mạng". Người thứ hai là Lê Văn Cương (sinh năm 1962, ở tổ 6, ấp 3, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) vừa bán cho Phương lô đất 68 triệu đồng vừa đưa thêm  52 triệu đồng tiền mặt để... "tham gia đầu tư".

Nhằm quảng cáo cho phương thức đầu tư tài chính qua mạng kiếm được lãi lớn, Võ Duy Phương cùng với Lê Xuân Thỏa (sinh năm 1980, ngụ tại 50/3B tổ 1, KP2, phường An Bình) tự nhận mình là đại diện cho... "tập đoàn Colony của Mỹ" đứng ra đài thọ cho những người tham gia "đầu tư tài chính" một chuyến đi du lịch. Và trong 2 ngày 3, 4-11-2007 đã có 51 "thành viên Colony" ở TP. Biên Hòa  và huyện Xuân Lộc đi tham quan, tắm biển Mũi Né. Cú phô trương này đã ... "hút" được vào đường dây của Võ Duy Phương con cá bự. Đó là Lê Văn Thêm ở 249B đường số 5 thuộc phường Tân Tiến (TP. Biên Hòa ) đã tham gia "đầu tư" 11.000 USD và được... "nhận lãi" 16,2 triệu đồng!...

Cơ quan PC15 cũng khám phá ra một đường dây khá lớn do Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1977, cư ngụ tại 181/3 KP1, phường Tân Mai) "điều hành". Lúc đầu Thái "đầu tư" 2.000 USD. Sau đó Thái móc nối, giới thiệu cho 12 người nữa tham gia với số tiền 12.000 USD. Tiếp đến 12 người này lại giới thiệu cho 70 người khác "đầu tư" 70.000 USD...

Ở huyện Thống Nhất  có 3 đường dây hoạt động mạnh bị phát hiện. Trong đó đường dây do Nguyễn Văn Lợi (cư ngụ tại cư xá Lam Sơn, phường 17, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) móc nối  với Phan Thị Kim Thu và cha là ông Phan Hưng cư ngụ ở xã Gia Kiệm huy động với số tiền trên 680 triệu đồng của 30 người trong xã. Ngoài ra Phan Thị Kim Thu còn cùng Phạm Thị Lành huy động 20 người được 65 triệu đồng. Rồi Phạm Thị Lành lại cùng Phạm Thị Kim Huệ huy động của 21 người khác nữa được 322 triệu đồng. Tất cả những người này đều khai là đã giao tất cả số tiền trên cho... "đầu mối" Nguyễn Văn Lợi.

Ở địa bàn huyện Xuân Lộc có 2 đường dây "huy động tài chính" bị phát hiện. Một là do y sĩ Lê Thanh Hải cùng vợ là Hoàng Thị Bích cư ngụ ở xã Xuân Thọ huy động được 127 triệu đồng của 5 người tham gia. Đường dây thứ hai do Nguyễn Chánh Tân (sinh năm 1980, cư trú tại ấp Trung Hiếu, xã Xuân Trường) làm... "đại lý" cho vợ chồng Quân - Thu ở Đồng Tháp "huy động" được 300 triệu đồng của 20 người trong xã.

Trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ và Long Thành, PC15 Công an Đồng Nai đã xác minh các đường dây... nhánh "đầu tư tài chính" qua mạng internet. Hiện việc điều tra về vụ lừa đảo tài chính qua mạng này còn đang được tiếp tục.

L.B.H

Tin xem nhiều