Báo Đồng Nai điện tử
En

Lập hồ sơ khống moi tiền nhà nước, nguyên Chủ tịch xã Gia Tân 1 ra tòa lãnh án!

10:01, 30/01/2008

Ngày 29-1-2008, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt nguyên Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) 30 tháng tù (cho hưởng án treo) về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Vụ án tạm khép lại trong sự băn khăn của dư luận xã hội vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Ngày 29-1-2008, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt nguyên Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) 30 tháng tù (cho hưởng án treo) về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Vụ án tạm khép lại trong sự băn khăn của dư luận xã hội vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

 

* "Sáng kiến" moi tiền nhà nước

 

Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về thực hiện chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn và giao thông khu phố, từ tháng 2-2002, người dân xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động và hơn 2,6 tỷ đồng để làm 7 tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp. Sau gần 7 tháng thi công, tháng 9-2002, cả 7 con đường liên ấp của xã đã hoàn tất và được đưa vào sử dụng. Nhưng trước khi những con đường này được hoàn tất thì trước đó, vào tháng 5-2002, UBND tỉnh có Quyết định số 1517 QĐ-UBT quy định về việc chi ngân sách hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án đối với những công trình xã hội hóa giao thông... ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dù các con đường liên ấp đã được hoàn tất nhưng khi biết được quy định này, Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Đồng Xuân Chiến đã tổ chức họp các thành viên chủ chốt của xã như: Bí thư, Phó chủ tịch, Trưởng ban Tài chính, Chủ tịch HĐND xã... để bàn việc lập hồ sơ khống đối với 7 tuyến đường đã được nhân dân xây dựng trước đó nhằm mục đích xin tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí thi công. Sau khi đã thống nhất với các thành viên trong UBND xã, ông Chiến một mặt chỉ đạo cho cán bộ phụ trách giao thông nông thôn xã phối hợp với các trưởng ấp đi kiểm tra, ghi chép số liệu về 7 tuyến đường. Mặt khác, ông Chiến đến gặp cán bộ Phòng Kinh tế huyện để nhờ hướng dẫn cách lập hồ sơ của 7 tuyến đường. Tại đây, ông Chiến được Trần Hữu Nghị (cán bộ thẩm định dự án thuộc Phòng Kinh tế huyện) hướng dẫn cách thức, thủ tục và giá cả lập hồ sơ khống để hợp thức hóa hồ sơ. Nhưng để được hưởng mức hỗ trợ này, theo quy định của UBND tỉnh thì các công trình phải đảm bảo các điều kiện như: được lập dự án thiết kế công trình, có sự thẩm định của các cơ quan chức năng theo quy định của Nhà nước. Do đó, Nghị thỏa thuận nhận làm hồ sơ trực tiếp và hướng dẫn ông Chiến liên hệ với Công ty TNHH tư vấn xây dựng Miền Đông và Công ty TNHH Đức Lộc A (ở Trảng Bom) để hợp đồng làm khống tư cách pháp nhân nhằm hoàn tất các thủ tục về báo cáo đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán kinh phí, hợp thức hóa hồ sơ giao nhận thầu xây lắp và biên bản nghiệm thu 7 tuyến đường trên giấy này.

Nhờ sự giúp sức của Nghị và Công ty Miền Đông, Công ty Đức Lộc A, 7 hồ sơ khống này nhanh chóng được hoàn tất và được UBND huyện, UBND tỉnh đồng ý phê duyệt chi hỗ trợ 30% tổng chi phí xây dựng 7 tuyến đường gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, do trục trặc 2 hồ sơ, đợt đầu tiên vào ngày 20-2-2003, tỉnh chi hỗ trợ cho 5 tuyến đường số tiền hơn 550 triệu đồng. Khi đã lấy được tiền, ông Chiến đã chung chi cho Nghị và Công ty Miền Đông hơn 80 triệu đồng, chi cho Công ty Đức Lộc A 150 triệu đồng theo như thỏa thuận trước đó. Nhưng chưa hết, ngày 3-6-2003, UBND xã lại có tờ trình gởi UBND huyện xin hỗ trợ hơn 93 triệu đồng thiết kế hồ sơ do Nghị hợp thức hóa và đã được phê duyệt. Tổng cộng, với 7 hồ sơ khống này, ông Chiến và một số cán bộ ở UBND xã Gia Tân 1 đã moi tiền của Nhà nước hơn 630 triệu đồng.

 

* Bỏ lọt tội phạm?

 

Liên quan đến việc lập 7 hồ sơ khống để moi tiền của Nhà nước hàng trăm triệu đồng, ngoài Đồng Xuân Chiến, 2 người đồng giúp sức là Trần Hữu Nghị và Giám đốc Công ty Đức Lộc A - Lê Đình Hùng cũng bị tòa tuyên phạt 2 năm tù (nhưng đều cho hưởng án treo). Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn trong vụ án không ở mức án nhẹ nhàng dành cho các bị cáo mà là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Hồ sơ vụ án cho thấy, giúp sức đắc lực cho ông Chiến lập hồ sơ khống moi tiền Nhà nước còn có một số cán bộ chủ chốt ở UBND xã như: Nguyễn Quang Đạo - Phó chủ tịch; Nguyễn Văn Chinh - Trưởng ban Tài chính... Trong đó, ông Đạo biết rõ hành vi làm trái của ông Chiến nhưng đã tích cực tham gia làm hồ sơ khống. Ông này cũng trực tiếp ký duyệt chi sai nguyên tắc 9 triệu đồng "trả công" cho Nghị, đồng lõa với ông Chiến trong việc rút 254 triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ để chi sử dụng trái mục đích. Nghiêm trọng hơn, khi vụ việc bị vỡ lở, ngày 15-7-2004, ông Đạo còn cố tình ký tờ trình UBND huyện xin rút số tiền 228 triệu đồng do tỉnh hỗ trợ kinh phí làm 2 con đường (hồ sơ khống) còn lại. Tương tự, ông Nguyễn Văn Chinh với chức năng tham mưu cho UBND xã lập dự toán thu chi ngân sách... đã cùng ông Chiến, ông Đạo và các cán bộ chủ chốt trong UBND, HĐND xã đề ra chủ trương lập hồ sơ khống moi tiền Nhà nước. Ông Chinh là người trực tiếp đề xuất ông Đạo ký duyệt cho Nghị tạm ứng tiền công làm hồ sơ khống. Dù biết rõ những việc làm sai trái, chi tiền sai mục đích của ông Chiến nhưng lại đồng lõa cho qua. Thậm chí còn đồng tình rút 254 triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ đem gửi quỹ tín dụng của xã mà không nhập quỹ, để sau đó ông Chiến dùng số tiền chi sai mục đích.

Với những sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng Viện Kiểm sát lại nhận định vai trò của các ông này chỉ là thứ yếu, không cần thiết phải xử lý hình sự nên đình chỉ điều tra. Không đồng ý với nhận định này, khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm nên quyết định trả hồ sơ để Viện Kiểm sát điều tra bổ sung. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm để chuyển hồ sơ cho tòa. Chính vì vậy, tại phiên tòa xét xử Đồng Xuân Chiến và đồng phạm, hội đồng xét xử biết rõ có việc bỏ lọt tội phạm với các ông Đạo, Chinh nhưng không thể xét xử vì Viện Kiểm sát không truy tố. Điều đó đã để lại không ít băn khoăn trong dư luận và người dân địa phương...

P.V

Tin xem nhiều