Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng bè La Ngà vẫn còn nguy cơ ô nhiễm

10:01, 14/01/2008

Để tránh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai từ các hộ sinh sống và nuôi cá bè trên sông La Ngà, năm 1999, tỉnh ta đã thực hiện dự án di dân làng cá bè La Ngà.

Bè cá không tăng nhưng diện tích nuôi cá trên mặt nước sông làng bè cá La Ngà đang tăng lên bằng hình thức kết dèo.

Để tránh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai từ các hộ sinh sống và nuôi cá bè trên sông La Ngà, năm 1999, tỉnh ta đã thực hiện dự án di dân làng cá bè La Ngà. Sau nhiều năm sống đời sông nước, người dân làng bè đã có cái nhà. Tuy nhiên, do quen sống trên sông nước và chỉ làm công việc duy nhất là nuôi cá bè và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ nên nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà với việc lên bờ.

Theo quy định, người dân làng bè vẫn được tiếp tục nuôi cá, nhưng không được phát triển thêm bè cá và mỗi bè chỉ được cử người trông coi chứ không được sinh sống trên bè. Quy định là vậy nhưng thực tế là khác. Làng bè xã La Ngà có 168 hộ phải di dời nhưng chỉ có 126 hộ cất nhà tại khu tái định cư, trong số này cũng chỉ 98 hộ cư trú. Và thực tế là người làm bè cá đều sinh sống ngay trên bè. Bà Thoa, một người dân sinh sống tại khu tái định cư La Ngà cho biết: "Ở đây chủ yếu là các gia đình không còn điều kiện nuôi cá bè nữa, hoặc chỉ là người già, trẻ con ở để đi học, còn những hộ nuôi cá phần lớn vẫn sống ngoài bè". Một người đàn ông ở bè cá cho biết: "Gia đình tôi hai vợ chồng, 3 đứa con nhỏ sống bằng nghề nuôi cá bè nếu không ở ngoài bè trông giữ, chăm sóc cá thì ai trông cho. Ở đây, đêm hôm tui còn chài lưới kiếm ăn, kiếm mồi cho cá. Biết sống ở bè là trái quy định, nhưng ở một nơi làm việc một nơi thì gia đình tui không thể thực hiện được. Không riêng gì gia đình tôi, ở làng bè này vẫn còn nhiều gia đình sinh sống trên bè".

 Ông Lý Văn Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã La Ngà cho biết: "Quả thật, thay đổi nghề đối với người dân làng bè là rất khó. Mặc dù đã lên bờ, làm nhà nhưng họ vẫn gắn bó với nghề nuôi cá". Theo ông Ngọc, thì người dân làng bè đã được nhập hộ khẩu, nên có người đã tìm được việc làm, sắp tới một số nhà máy ở khu công nghiệp La Ngà cần tuyển lao động phổ thông không yêu cầu cao về trình độ văn hóa, thanh niên làng bè vẫn có cơ hội vào làm công nhân. Hiện tại, địa phương có triển khai nghề đan lát thủ công nên người dân ở khu tái định cư có thêm thu nhập thêm vào nghề này.

Khu tái định cư cho dân cư làng bè xã La Ngà còn vắng chủ, bể chứa nước bỏ hoang không còn sử dụng.

Ông Lý Văn Ngọc khẳng định: "Khu vực bè cá phía xã La Ngà quản lý không tăng thêm, hiện vẫn là 168 bè. Tuy nhiên, nhiều gia đình có con lớn, họ tách ra riêng, hoặc phát triển thêm nên đã mở rộng diện tích nuôi cá bằng cách làm các dèo rộng xung quanh bè". Đúng như ông Ngọc cho biết, các bè cá hiện nay đều được nới rộng bằng các dèo nuôi cá, dèo được kết bằng các thùng phuy làm phao nổi, các phao nổi này giữ khung lưới chìm dưới mặt nước để nuôi cá ở bên trong. Có bè kết dèo chung quanh, nhưng cũng có những dèo cá diện tích lớn trải dài trên mặt nước, người dân nối dài hai đầu là hai nhà bè để neo giữ dèo. Với hình thức này, bè cá không tăng nhưng diện tích nuôi cá đã tăng nhiều ở khu vực làng bè, đây rõ là một hình thức "lách" quy định.

  Với các dự án di dân làng bè, nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng nhằm xây dựng đời sống người dân làng bè được tốt hơn, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường cho nguồn nước sông  Đồng Nai. Tuy nhiên, với tình trạng như hiện nay tại làng bè, rất cần sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương đối với việc người dân nuôi trồng thủy sản và sinh sống tại làng bè.

 Mạnh Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều