Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêu cực trong công trình hồ chứa nước Cầu Mới (huyện Long Thành)
Kỳ 1 "Phù phép" hồ sơ nhận bồi thường để chiếm đoạt tiền nhà nước

09:04, 27/04/2007

Từ đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến vụ tiêu cực ở công trình hồ chứa nước Cầu Mới và những tài liệu thu thập được qua công tác trinh sát, Công an huyện Long Thành đã khởi tố 4 bị can nguyên là cán bộ huyện Long Thành và xã Bàu Cạn, gồm: Nguyễn Công Nam (địa chính xã), Đặng Trọng Oanh (Chủ tịch UBND xã), Trương Minh Nghĩa (tổ trưởng Tổ bồi thường dự án hồ Cầu Mới huyện Long Thành) và Nguyễn Quốc (trưởng nhóm kiểm tra, thực hiện áp giá bồi thường, giải tỏa dự án).

Nguyên cán bộ địa chính xã Bàu Cạn Nguyễn Công Nam (trái) và nguyên trưởng nhóm kiểm tra, áp giá bồi thường, giải tỏa dự án hồ Cầu Mới tuyến 6 Nguyễn Quốc.

Từ đơn thư khiếu nại của người dân liên quan đến vụ tiêu cực ở công trình hồ chứa nước Cầu Mới và những tài liệu thu thập được qua công tác trinh sát, Công an huyện Long Thành đã khởi tố 4 bị can nguyên là cán bộ huyện Long Thành và xã Bàu Cạn, gồm: Nguyễn Công Nam (địa chính xã), Đặng Trọng Oanh (Chủ tịch UBND xã), Trương Minh Nghĩa (tổ trưởng Tổ bồi thường dự án hồ Cầu Mới huyện Long Thành) và Nguyễn Quốc (trưởng nhóm kiểm tra, thực hiện áp giá bồi thường, giải tỏa dự án). Từ khi triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Cầu Mới (tháng 8-2003 đến nay), các đối tượng này thiếu trách nhiệm trong kiểm tra quản lý, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước như: bồi thường, trợ cấp sai đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa; nâng khống số lượng cây trồng trên đất để bồi thường sai nguyên tắc, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 800 triệu đồng...

 

* Rủ nhau mua đất "đón gió" quy hoạch

 

Dự án hồ chứa nước Cầu Mới tuyến 6 được quy hoạch từ trước năm 2000. Biết trước dự án sẽ triển khai bồi thường giải tỏa trong năm 2003 nên đầu tháng 4-2003, một số cán bộ huyện Long Thành gồm các ông: Võ Đình Việt, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Minh Đức, Nguyễn Tấn Hưng và Trần Hoài Phong đã nhờ Nguyễn Công Nam (cán bộ địa chính xã Bàu Cạn) tìm người có nhu cầu bán đất tại khu quy hoạch này để giới thiệu cho họ mua để kiếm lời khi dự án tiến hành bồi thường. Sau khi tìm được một số hộ dân ở khu quy hoạch thuộc ấp 8, xã Bàu Cạn muốn bán đất, Nguyễn Công Nam liền báo tin cho số cán bộ này biết.

Khoảng cuối tháng 4-2003, với sự giới thiệu của Nam, ông Việt đã mua tổng cộng 47.456m2 (trong đó có 900m2 đất thổ cư) với giá 645 triệu đồng. Trong đó, phần đất của ông Nguyễn Văn Tuyên có diện tích 21.890m2 (trong đó có 300m2 đất thổ cư) với giá 306 triệu đồng; đất ông Nguyễn Văn Toàn có diện tích 4.960m2 với giá 69 triệu đồng và đất của ông Nguyễn Hữu Vị có diện tích hơn 20.000m2 với giá 270 triệu đồng. Việc mua bán số đất không lập thủ tục theo quy định của pháp luật mà đều được làm giấy tay. Trong giấy mua bán chỉ ghi tên người bán mà không có tên người mua. Khi giao tiền, ông Việt đều yêu cầu người bán đất làm ủy quyền cho vợ ông là bà Lâm Thị Hồng Anh đứng tên hồ sơ nhận tiền bồi thường khi dự án thực hiện đền bù, giải tỏa. Riêng trường hợp ông Vị, hai bên thỏa thuận khi được cấp lô tái định cư thì ông Vị sẽ được hưởng phần này.

Cùng thời điểm này, Nguyễn Công Nam còn giới thiệu ông Nguyễn Tuấn Anh mua 16.338m2 đất của ông Trần Văn Quyết với giá 245 triệu đồng. Sau khi làm giấy viết tay chuyển nhượng đất, Nguyễn Tuấn Anh để người chị ruột đứng tên (nhưng sau đó Nam để tên vợ mình là Trần Thị Kim Trâm đứng tên). Nam còn giới thiệu cho nhóm cán bộ gồm các ông Đức, Hưng, Phong mua của ông Vũ Đình Khuông 7.000m2 đất và của ông Nguyễn Duy Cường 11.328m2 với tổng số tiền 270 triệu đồng. Hai mảnh đất này ông Đức nhờ người anh rể tên là Nguyễn Văn Nhiều (ngụ ở thị trấn Long Thành) đứng tên hồ sơ nhận tiền bồi thường giải tỏa mặt bằng. Giống như ông Việt, việc chuyển nhượng đất giữa các hộ bán với ông Nguyễn Tuấn Anh và nhóm ông Đức cũng chỉ làm giấy mua bán tay, không thông qua chính quyền địa phương. Ngoài ra, vào tháng 5-2003, Nguyễn Công Nam còn rủ các bà Đoàn Thị Huấn, Bùi Thị Kim Duyên hùn tiền mua của ông Nguyễn Duy Cường 6.000m2 với giá 89 triệu đồng. Trong đó, bà Huấn hùn 45 triệu đồng, bà Duyên hùn 30 triệu đồng. Phần đất này, Nam nhờ người bà con tên Ngô Văn Bình đứng tên hồ sơ bồi thường.

Sau khi mua đất, các ông Việt, Tuấn Anh, Đức, Hưng, Phong... không hề sinh sống, canh tác ở đây cho đến lúc bồi thường giải tỏa. Tuy nhiên, ông Việt và nhóm ông Đức đã nhờ Nam thuê người trồng chuối trên các thửa đất mà họ đã mua. Do đó, Nam nhờ một số người mua chuối trồng trên đất của ông Vị 5.000 cây, đất ông Toàn 600 cây, đất ông Khuông 200 cây với chi phí khoảng 14 triệu đồng. Trong thời gian chờ bồi thường, giải tỏa, các ông Tuấn Anh, Việt, Đức, Hưng, Phong đã nói cho ông Nguyễn Quốc (Trưởng nhóm kiểm tra, thực hiện áp giá bồi thường, giải tỏa dự án) biết họ đã mua các lô đất này và nhắn Quốc khi tiến hành kiểm kê thì bảo họ đưa đến hiện trường kiểm kê cho dễ.

 

 * Phù phép hồ sơ để rút tiền nhà nước

 

Khi công trình hồ chứa nước Cầu Mới triển khai, ông Trương Minh Nghĩa (tổ trưởng tổ bồi thường) chỉ đạo cho các thành viên cấp dưới tiến hành kiểm kê đất đai, tài sản bị giải tỏa tại tuyến 6 hồ Cầu Mới (khu vực xã Bàu Cạn) và giao ông Quốc làm trưởng nhóm, phụ trách kiểm tra thủ tục pháp lý hồ sơ bồi thường. Quá trình kiểm kê thực địa, Nguyễn Công Nam lại báo cho Quốc biết cụ thể những lô đất đã được các vị cán bộ huyện mua trước đó. Vì thế, khi kiểm kê, tổ làm việc của ông Quốc chỉ tiến hành kiểm tra đất đai của những hộ dân xung quanh. Các lô đất được "gởi gắm" dù không kiểm tra thực tế vẫn được Quốc ghi nhận vào bản đồ thu hồi đất.

Ngày 23-8-2003, ông Quốc được cho đi tham quan học hỏi ở nước ngoài 1 tuần lễ. Do đó, ông Nghĩa giao nhiệm vụ cho số cán bộ trong tổ gồm: Nguyễn Thái Bình, Lê Hoàng Sơn, Dương Thanh Hòa kết hợp với địa phương gồm: Nguyễn Công Nam, Bùi Đức Yên (trưởng ấp 8) kiểm kê số đất đai, tài sản bị giải tỏa. Lúc bấy giờ, khi đến những thửa đất được "gởi gắm", dù không có chủ đất hoặc người được ủy quyền nhưng Nguyễn Thái Bình cùng các thành viên vẫn thực hiện việc kiểm kê. Đặc biệt, tổ bồi thường không phát tờ khai cho người có đất bị thu hồi tự kê khai mà đích thân ông Bình viết vào tờ khai này. Khi lập biên bản, họ không thèm đếm cụ thể từng loại cây trồng, ao hồ... thực tế, mà ghi nhận lung tung. Như cây có ít thì kê nhiều, chuối mới trồng chưa có quả vẫn phân loại A, B. Thậm chí, biên bản còn ghi thêm một số cây không có như sầu riêng, tiêu, cà phê...

Sau khi ông Quốc về nước, ông Bình giao hồ sơ bồi thường của các hộ trên cho ông Quốc xem. Ông Quốc ký ngay vào phần kiểm tra mà không cần biết đúng hay sai, rồi lập chiết tính bồi thường các hộ trên. Đặc biệt, khi rà soát lại bản đồ thu hồi đất, ông Quốc phát hiện phần đất của nhóm ông Đức mua (ông Nguyễn Văn Nhiều đứng tên) chưa được kiểm kê nên gọi điện báo cho những người này đến hiện trường kiểm kê. Ông Quốc cũng làm y như cách cấp dưới làm trước đó: không đếm số lượng từng loại cây trồng mà chỉ ghi nhận loại cây rồi ước tính đưa vào biên bản, một số cây cà phê đã chặt chồi nhưng vẫn được phân loại A, B và cũng tự kê khai cho chủ đất. Chưa dừng ở đó, ông Quốc còn chỉ đạo cho cấp dưới viết vào tờ khai đất đai, tài sản; tự mình viết vào giấy xác nhận nguồn gốc đất và lập giấy xác minh nhân hộ khẩu những trường hợp bị giải tỏa bồi thường mà lẽ ra việc này phải do công an và UBND xã làm. Sau đó, ông Quốc còn đem số hồ sơ này nhờ Nguyễn Công Nam, Đặng Trọng Oanh (Chủ tịch UBND xã), Lê Văn Lập (Phó chủ tịch UBND xã), Ninh Đức Thuấn (Trưởng công an xã) ký duyệt...

Hồ sơ bồi thường hoàn tất, ông Quốc tham mưu cho Hội đồng bồi thường lập tờ trình phê duyệt phương án bồi thường và trình lên Hội đồng thẩm định tỉnh duyệt, chi tiền bồi thường dự án hồ chứa nước Cầu Mới tuyến 6. Kết quả là các hộ này đều được tỉnh hỗ trợ tiền, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 800 triệu đồng. Cụ thể, 3 phần đất ông Việt mua (bà Lâm Thị Hồng Anh - vợ của ông Việt đứng tên) được chi tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường cây trồng, vật kiến trúc kê khống là 265,4 triệu đồng, tiền trợ cấp, hỗ trợ và thưởng di dời sai đối tượng là 148,28 triệu đồng. Riêng các chủ đất cũ là ông Vị, ông Tuyên và ông Toàn, mỗi người chỉ được nhận 7,2 triệu đồng tiền hỗ trợ giải tỏa. Tương tự, phần đất ông Tuấn Anh mua của ông Quyết được chi bồi thường 605,2 triệu đồng. Trong đó, tiền hỗ trợ cây trồng kê khống là gần 98 triệu đồng, tiền hỗ trợ, thưởng di dời sai đối tượng là 22 triệu đồng. Nhóm mua đất của ông Trần Minh Đức cũng được chi tổng cộng 835,4 triệu đồng. Trong đó, tiền hỗ trợ cây trồng được áp giá sai là 51,595 triệu đồng; tiền hỗ trợ, thưởng di dời sai đối tượng là 53,8 triệu đồng. Phần đất do ông Nam hùn mua với các bà Huấn, Duyên được bồi thường 307 triệu đồng. Trong đó, tiền hỗ trợ cây trồng được kê khống là 118 triệu đồng; tiền hỗ trợ, thưởng di dời sai đối tượng là 16,2 triệu đồng.

Nhóm PV PLĐS

(Còn tiếp)

Tin xem nhiều