Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng cây gòn làm nọc tiêu: Một giải pháp hiêu quả cho người trồng tiêu?

09:07, 11/07/2007

Tiêu là giống dây leo phát triển tốt trên nhiều loại đất, trong đó có vùng đất miền Đông Nam bộ và hạt tiêu hiện đang là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra nước ngoài.

Tiêu là giống dây leo phát triển tốt trên nhiều loại đất, trong đó có vùng đất miền Đông Nam bộ và hạt tiêu hiện đang là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra nước ngoài.

 

Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc cây tiêu không đơn giản chút nào. Bởi, ngoài các bệnh thường gặp và dịch bệnh gây chết hàng loạt, cây tiêu còn phụ thuộc vào một yếu tố hết sức quan trọng, đó là nọc tiêu. Vì, vốn là dây leo nên tiêu phải sống bám vào các loại cây trồng sẵn để vươn lên, trong đó có  cây vông nem. Nhưng những năm gần đây, do sự phá hoại của một loại ong ký sinh đã gây cho cây vông chậm phát triển, làm cây chết dần và ngã đổ, gây thiệt hại nặng cho người trồng tiêu.

Nhiều người dân đã khắc phục bằng cách đổ trụ xi măng hoặc trồng cây củi làm nọc tạm, sau đó trồng các loại cây xanh khác để lớn dần, nhưng thường cây quá nhỏ nhưng lại bị tranh dinh dưỡng nên phát triển rất chậm. Còn trụ xi măng thì tốn kém và làm giảm độ bám của rễ tiêu.

Hiện nay, một số nông dân đã sử dụng cây keo, kể cả những cây ở các vườn tiêu bị dịch chết trước đó làm nọc tiêu. Điều này cũng rất nguy hiểm, vì mầm bệnh vẫn còn và có thể phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho chủ vườn và các vườn tiêu lân cận.

Vấn đề đặt ra là chọn cây gì làm nọc tiêu cho phù hợp và đảm bảo không có mầm bệnh. Thời gian gần đây, một số hộ dân đã chọn cây gòn làm nọc tiêu bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Tại vườn tiêu của ông Trần Khanh ở tổ 10, ấp Giá Tỵ, xã Suối Cao, chúng tôi khá ngạc nhiên vì vườn tiêu có nọc bằng cây gòn trên 3 năm tuổi của ông lại xanh tốt lạ thường, chuỗi tiêu ra đều và dày, vườn tiêu thông thoáng, thẳng tắp. Ông Khanh cho biết: "Trước khi đưa nọc gòn vào trồng tiêu phải gieo hạt gòn thành những luống thẳng, cây cách chừng 20cm, sau đó tỉa bỏ những cây yếu, qua một năm gòn có thể cao hơn 2m và những đường kính cây khoảng 5-6cm; lúc đó có thể bứng cả gốc hoặc cắt ngang phần thân làm nọc tiêu, vì cây gòn rất dễ sống, cũng có thể tìm cành gòn sẵn có với kích thước tương tự để làm nọc tiêu, sau đó chăm sóc đầy đủ và tỉa cành định kỳ để tạo độ thông thoáng là vườn tiêu phát triển tốt". Cũng theo ông Khanh, trồng cây gòn làm nọc tiêu rất lợi thế, vì vốn thân cây mọc thẳng đứng, rất khó ngã đổ, lại lợi thế về chiều cao, có thể chừa phần cho tiêu leo từ 5-6 cm tùy ý để tăng năng suất (các loại cây nọc khác không thể có được). Mặt khác, việc tỉa cành, tạo dáng rất dễ dàng, hạn chế được việc tranh dinh dưỡng với cây tiêu. Trồng cây gòn làm nọc tiêu với kích thước hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m rất thuận tiện cho việc chăm sóc, tưới tiêu, tạo độ thông thoáng và phòng trừ sâu bệnh tốt.

Ông Khanh dự định năm nay sẽ thu từ 2-3kg tiêu khô cho mỗi cây nọc trên 3 năm tuổi của mình và hiện nay ông đã xuống thêm trên 700 cây nọc khác đang phát triển tốt.

Các hộ trồng tiêu có thể đến tham quan thực tế vườn tiêu bằng nọc cây gòn của ông Trần Khanh ở tổ 10, ấp Giá Tỵ, xã suối Cao, huyện Xuân Lộc, qua đó có thể chọn giải pháp thích hợp để phát triển vườn tiêu của mình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xuân Thọ (Đài TT Xuân Lộc)

Tin xem nhiều