Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi doanh nhân nông thôn được hỗ trợ vốn và kỹ năng kinh doanh

09:03, 28/03/2007

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thời gian qua Dự án "Hỗ trợ hoạt động các doanh nhân ở nông thôn Đồng Nai" do Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam (KHKT NNMN), Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai phối hợp với Trường đại học Nông nghiệp GEMBLOUX Bỉ thực hiện đã đạt kết quả khả quan... Dự án đã hỗ trợ cho 35 doanh nhân ở 4 huyện của tỉnh kinh doanh, trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phục vụ ngành nông nghiệp...

Theo đánh giá của các nhà  chuyên môn, thời gian qua Dự án "Hỗ trợ hoạt động các doanh nhân ở nông thôn Đồng Nai" do Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam (KHKT NNMN), Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai phối hợp với Trường đại học Nông nghiệp GEMBLOUX Bỉ thực hiện đã đạt kết quả khả quan...  Dự án đã hỗ trợ cho 35 doanh nhân ở 4 huyện của tỉnh kinh doanh, trong đó  chủ yếu là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phục vụ ngành nông nghiệp...

 

Công nhân đang lóc bắp tại cơ sở xay bắp nếp của chị Đào ở huyện Thống Nhất.

* Hiệu quả kinh tế tăng cao

 

Anh Nguyễn Đức Cát ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) là một trong số những doanh nhân nông thôn sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn vốn hỗ trợ của dự án. Năm 1999, anh Cát nhận số vốn hỗ trợ là 50 triệu đồng để xây dựng lò sấy bắp với công suất 5 tấn bắp tươi/6 - 8 giờ. Không chỉ đơn thuần sấy bắp thuê, anh Cát còn đi mua bắp tươi tại rẫy mang về sấy để hưởng phần gia công và chênh lệch giá. Nhờ có lò sấy, anh Cát mua được bắp tươi vào thời điểm giá thấp nhất và sấy khô trữ lại bán dần cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc khi giá bắp cao.

Để có được lượng bắp ổn định, anh Cát huy động thêm vốn đầu tư phân bón, giống bắp cho nông dân trong vùng, sau đó mua lại sản phẩm. Với cách làm như vậy, đến năm 2003 anh Cát đã xây dựng thêm được 2 lò sấy nữa với công suất  15 tấn hạt tươi/ 5 - 6 giờ sấy và một lò làm nguội bắp sau khi sấy. Số vốn của anh đến nay đã tăng lên tới gần 1 tỷ đồng. "Nói thật, lúc mới nhận tiền của dự án,  tôi cũng lo lắm. Cầm tiền trong tay rồi nhưng không dám xây dựng lò, còn định mang trả lại. Vì ý tưởng thì có, nhưng dù sao đây là vốn vay, lỡ làm bị thất bại thì gay lắm. Mấy anh cán bộ dự án đến động viên mấy lần mới dám triển khai. Tính ra số vốn hỗ trợ không phải là nhiều, nhưng nếu phát huy được thì hiệu quả lắm. Việc thành công này còn do một phần tôi đã  được tham gia các lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn và kỹ năng kinh doanh của dự án, đã tạo cho mình tự tin hơn" - anh Cát nói. Cũng như anh Cát,  cơ sở xay xát bắp nếp của chị Trần Thị Đào ở xã Đông Hòa (huyện Thống Nhất) nhờ có thêm nguồn vốn của dự án, chị liên tục mua đón đầu được những lô hàng rẻ để dự trữ  sản xuất. Có những lúc lượng bắp mua được với giá rẻ về dự trữ của cơ sở chị lên đến trên 50 tấn, gấp gần 3 lần so với bình thường và nhờ vậy lãi đã tăng lên đáng kể.

Không chỉ có anh Cát hay chị Đào sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ dự án này mà tới 75% trong số các doanh nhân tham gia dự án đều phát triển kinh tế tốt, tăng thu nhập cao hơn thời gian chưa tham gia vào dự án. Tiến sĩ  Đỗ Ngọc Diệp, chủ nhiệm dự án cho biết: "Tổng nguồn vốn dự án đầu tư đã lên đến 4 tỷ đồng. Các doanh nhân  tham gia dự án  là chủ các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Ở đây, họ gặp khó khăn nhất vẫn là vốn và khả năng quản lý vốn. Nhìn chung, khi có thêm nguồn vốn, chủ các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư hơn và rất thành công. Nguồn vốn mà dự án hỗ trợ chiếm khoảng 45% so với tổng số vốn của cơ sở. Tùy vào đầu tư  của cơ sở mà dự án hỗ trợ từ  30 - 300 triệu đồng/cơ sở".

 

* Cần nhân rộng mô hình

 

Dự án hỗ trợ hoạt động các doanh nhân ở nông thôn chỉ tập trung vào việc hỗ trợ vốn và một số kỹ năng quản lý kinh doanh. Các cơ sở sản xuất sau khi được địa phương giới thiệu, cán bộ dự án cùng với cán bộ tín dụng đến thẩm định và phân tích phương án sản xuất kinh doanh của cơ sở, thấy khả thi chủ cơ sở sẽ nhận hợp đồng hỗ trợ. Nguồn vốn của dự án được chuyển vào quỹ tín dụng của địa phương và chủ các cơ sở sẽ nhận tiền tại đó. Ông Nguyễn Hữu Đề, cán bộ dự án cho biết: "Các chủ cơ sở được vay từ dự án có lãi suất thấp hơn so với vay của quỹ tín dụng và các ngân hàng". Cùng với việc giải ngân nguồn vốn, các lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn cũng được triển khai do các giảng viên của Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh  giảng dạy. 

Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Viện trưởng Viện KHKT NNMN: "Nước ta đã bước vào hội nhập kinh tế thế giới nên càng phải tạo điều kiện tốt hơn cho khu vực nông thôn phát triển. Việc hỗ trợ cho chủ các cơ sở sản xuất và chế biến nông sản ở nông thôn cũng chính là gián tiếp giúp cho nông dân giảm thiểu hao hụt sản phẩm nông sản sau thu hoạch và nâng giá trị cạnh tranh sản phẩm của mình".

Giáo sư Philippe Lebailly, đại diện của Trường đại học Nông nghiệp GEMBLOUX Bỉ, người đến Việt Nam triển khai dự án đánh giá: "Khi mới tới triển khai dự án ở đây tôi rất lo, vì Đồng Nai là tỉnh có nhiều doanh nghiệp lớn, vậy những doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn sẽ ra sao? Số vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng rất khiêm tốn, như vậy liệu có thể giúp họ phát triển được không? Nhưng thật bất ngờ là dự án đã thành công hơn những gì tôi nghĩ. Việc thu hồi vốn của dự án khá tốt, không gặp phải khó khăn. Các cơ sở đều phát triển và tạo được việc làm cho người dân địa phương. Tôi nghĩ, những đối tượng này  (doanh nhân nông thôn) cần được quan tâm hơn, vì họ trực tiếp giúp vùng nông thôn phát triển". 

Ông Philippe Lebailly còn cho biết thêm, trong thời gian tới, Trường đại học  nông nghiệp GEMBLOUX Bỉ sẽ cùng với Viện KHKT - NNMN nghiên cứu và triển khai mô hình hỗ trợ doanh nhân nông thôn đi vào chiều sâu hơn. Cụ thể là hỗ trợ các cơ sở tinh chế sản phẩm nông nghiệp thay vì dừng lại ở sơ chế như hiện nay.

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều