Báo Đồng Nai điện tử
En

Vườn sầu riêng đầu tiên được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ

08:06, 27/06/2023

Vườn sầu riêng rộng 3,3ha của ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Cây sầu riêng xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) vừa được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ông Hiệp thuộc lớp nông dân đi tiên phong trồng sầu riêng DONA.

Vườn sầu riêng rộng 3,3ha của ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Cây sầu riêng xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) vừa được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Ông Hiệp thuộc lớp nông dân đi tiên phong trồng sầu riêng DONA. Đây là giống sầu riêng đặc sản của Đồng Nai, cho trái chất lượng ngon, nhiều năm trước đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Ông Trần Quang Hiệp bên vườn sầu riêng giống DONA đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trần Quang Hiệp bên vườn sầu riêng giống DONA đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: B.Nguyên

THT Cây sầu riêng xã Xuân Quế với diện tích khoảng 60ha chủ yếu trồng sầu riêng DONA đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ với định hướng xây dựng vùng chuyên canh đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu đi các thị trường lớn.

* Vườn đặc sản sạch hơn 20 năm tuổi

Dẫn khách đi tham quan vườn sầu riêng hơn 20 năm tuổi, ông Trần Quang Hiệp giới thiệu: “Từ khi bắt đầu xuống giống, tôi đã có ý thức trồng sầu riêng an toàn, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học cho vườn cây để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là thuận lợi rất lớn để chuyển đổi vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ”.

Theo ông TRẦN QUANG HIỆP, hiện sầu riêng hữu cơ bán ra thị trường chưa có mức chênh lệch nhiều so với sầu riêng sản xuất truyền thống. Nhưng nhờ năng suất tốt, chất lượng ngon nên gia đình ông vẫn đạt lợi nhuận cao. Hiện THT đã có doanh nghiệp đặt vấn đề nhân rộng diện tích và bao tiêu sầu riêng hữu cơ xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu...

Tuy nhiên, giai đoạn đầu chuyển đổi, ông Hiệp cũng gặp nhiều thách thức. Ông Hiệp kể, ông bắt đầu sản xuất theo quy chuẩn hữu cơ của Việt Nam từ năm 2018, sản lượng sầu riêng giảm khoảng 20%, trong khi chi phí đầu tư lại tăng lên, người trồng phải tuân thủ chặt chẽ theo quy trình canh tác hữu cơ, nhất là mỗi ngày phải ghi nhật ký vườn trồng. Gần 5 năm kiên trì tuân thủ chặt chẽ theo tiêu chuẩn canh tác hữu cơ đã giúp vườn sầu riêng của gia đình ông đủ chuẩn được cấp chứng nhận hữu cơ vào năm 2023.

Theo ông Hiệp, chuyển đổi sang sản xuất theo chuẩn hữu cơ bước đầu có gặp khó khăn nhưng nếu kiên trì thực hiện thì nông dân sẽ đạt được nhiều lợi ích bền vững. Năm thứ 2 chuyển đổi, vườn sầu riêng của ông đã khôi phục lại năng suất như trước.

Ông Hiệp chia sẻ: “Làm theo cách truyền thống, đất bị thoái hóa, nhiễm độc và chết dần. Tôi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ vì muốn giữ được nguồn đất đai màu mỡ cho đời con, cháu. Canh tác hữu cơ giúp đất khỏe, cây khỏe và đặc biệt là sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng được bảo vệ”.

* Cơ hội xuất khẩu vào thị trường khó tính

Sầu riêng DONA là giống đặc sản sầu riêng có tiếng nhất của Đồng Nai do Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học (DONA Techno) tại TP.Long Khánh nghiên cứu, đưa ra thị trường và đã được đưa vào bộ giống quốc gia. Giống sầu riêng này có nhiều đặc trưng nổi trội như: hạt lép, cơm dày và khô ráo, có thể tách hạt khỏi phần thịt quả mà không dính tay, vị ngọt đậm đà. Trái sầu riêng DONA có hình thức bắt mắt với phần vỏ có gai to đều, vỏ xanh và mỏng, kích cỡ trái lớn có thể đạt hơn 10kg/trái.

Chính nhờ chất lượng ngon và những ưu điểm trên, sầu riêng DONA đã xuất khẩu tốt vào thị trường Hoa Kỳ từ nhiều năm trước. Hiện thương hiệu sầu riêng DONA không chỉ được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mà cả ở nhiều nước trên thế giới.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quế Nguyễn Hồng Phong cho biết, với thổ nhưỡng đất đỏ rất phù hợp cho cây sầu riêng phát triển nên xã đã xác định sầu riêng là cây chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn xã có hơn 300ha trồng sầu riêng, trong đó hơn 60% diện tích là trồng giống sầu riêng DONA. Theo chủ trương đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, huyện, xã Xuân Quế đã chủ động triển khai chính sách riêng khuyến khích làm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Trong đó, THT Cây sầu riêng xã Xuân Quế được chọn làm mô hình điểm, được hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận hữu cơ. Mô hình sản xuất thành công của ông Hiệp sẽ thuyết phục các thành viên khác nhân rộng diện tích sầu riêng hữu cơ trên địa bàn xã.

Ông Phong cho biết thêm, trước đây các thành viên trong THT chủ yếu bán sầu riêng cho thương lái nên giá cả không ổn định, đầu mùa giá có thể cao nhưng đến cuối mùa thì bà con phải bán giá rẻ nên thua lỗ. Vài năm trở lại đây, THT ký kết với doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu nên giá được ổn định và được đảm bảo đầu ra.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều