Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp tái cấu trúc để chờ cơ hội

08:06, 17/06/2023

Khó khăn là bối cảnh chung không chỉ ở Đồng Nai mà là của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên khắp cả nước. Đơn hàng sụt giảm, xuất khẩu yếu, chi phí sản xuất gia tăng khiến cho nhiều DN co hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động, nhưng đây cũng được coi là cơ hội để tái cơ cấu lại DN.

Khó khăn là bối cảnh chung không chỉ ở Đồng Nai mà là của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên khắp cả nước. Đơn hàng sụt giảm, xuất khẩu yếu, chi phí sản xuất gia tăng khiến cho nhiều DN co hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động, nhưng đây cũng được coi là cơ hội để tái cơ cấu lại DN.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh đầu tư cho công nghệ thì việc đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh đầu tư cho công nghệ thì việc đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng (ảnh minh họa). Ảnh: V.Gia

Theo đó, linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc khách hàng và tập trung hơn cho nâng cao chất lượng nhân lực là điều mà nhiều DN hướng tới.

* Tái cấu trúc trong khó khăn

Đối mặt với sự khó khăn từ nhiều phía, các DN đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tìm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân…

Một trong những lĩnh vực đang được tái cấu trúc sâu rộng là ngành bất động sản, nhất là lĩnh vực môi giới. Các DN đang cấu trúc lại hệ thống, ngành hàng, sản phẩm, tối ưu chi phí hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh cùng những giải pháp như đa dạng phân khúc sản phẩm phân phối. Chủ một DN lĩnh vực bất động sản ở TP.Biên Hòa cho biết, thị trường đang khó khăn nên đòi hỏi DN thay đổi, bổ sung dòng sản phẩm kinh doanh, tập trung vào phân khúc ở thực, bất động sản cho thuê. Đồng thời, có thêm dịch vụ mới như: tư vấn thiết kế nội thất, quản lý tài sản và liên kết rộng rãi hơn với các DN trong ngành.

Giai đoạn hiện nay, cộng đồng DN mong được hỗ trợ để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo đó, Nhà nước có chính sách mua sắm công, ưu tiên sử dụng sản phẩm của DN trong nước, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ cao bằng cách hỗ trợ về tài chính và các chính sách khác liên quan...

Trong ngành dệt may, Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) luôn tìm cách tạo việc làm cho lao động. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc công ty, để bù đắp cho sự thiếu hụt ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, DN thúc đẩy xuất khẩu sang Nhật Bản và mở thêm các thị trường mới.

Tương tự, đối với ngành gỗ, tái cấu trúc là yêu cầu tất yếu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, trước những khó khăn, DN trong ngành đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí sản phẩm chất lượng nhưng giá tốt, phù hợp với thị hiếu khách hàng và chú trọng chính sách hậu mãi. Bên cạnh đó, các DN tiếp tục tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi công nghệ, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. So với các địa phương khác, Đồng Nai có sự cân bằng hơn giữa xuất khẩu và nội địa trong ngành gỗ.

Thời gian qua, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cũng như các DN hội viên đang nỗ lực để tái cấu trúc, phát triển theo xu hướng bền vững.

* Dành nhiều hơn cho đào tạo nhân lực

Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm thị trường và tái cấu trúc, nhiều DN cũng đã quan tâm hơn đến chất lượng nhân lực, coi quãng thời gian khó khăn, thu hẹp sản xuất là cơ hội để DN đầu tư cho con người. Nếu như trước đây, lý do khiến việc đào tạo nhân lực được xem là không bắt buộc vì sợ tốn kém thì ngày nay đã thay đổi. Sự cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi DN chú trọng hơn đến nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, bởi đây là vấn đề then chốt cho sự phát triển lâu dài.

Giám đốc Nhà máy Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) Trần Văn Hải cho hay, ứng dụng khoa học thực phẩm vào chế biến chuyên sâu là cách trực tiếp truyền tải tri thức vào trong sản phẩm, mang tới cho khách hàng sản phẩm tốt hơn mỗi ngày. Muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng chiến lược giúp bà con nông dân có đầu ra ổn định, tạo hệ sinh thái phát triển bền vững từ vùng nguyên liệu, mở rộng bán hàng thì việc đào tạo nội bộ rất quan trọng. DN cố gắng năm 2023, áp dụng công nghệ và nâng cao chất lượng lao động, nhà máy phấn đấu có công suất tăng gấp 4 lần nhưng không phải tăng thêm lao động.

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, Giám đốc Công ty TNHH TMDV sản xuất Huỳnh Đức (TP.Biên Hòa) Lê Đức Huỳnh cho biết, luôn phải liên tục cải tiến hệ thống quản lý, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. DN đã đầu tư lớn để phát triển cơ sở hạ tầng và trang bị máy móc hiện đại, xây dựng nhà xưởng lớn trong Khu công nghiệp Amata để hoạt động bài bản hơn. Những sự đầu tư này có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai và có thể chen chân vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Trong thời gian qua, đa số DN đều cố gắng xoay xở để vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có, nhưng nhiều DN vẫn chưa tiếp cận được bởi các thủ tục còn rườm rà.

Văn Gia

Tin xem nhiều