Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển, TP.Biên Hòa đã kiến nghị đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm 2 vị trí xây dựng các cầu đường bộ kết nối đô thị này với TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển, TP.Biên Hòa đã kiến nghị đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm 2 vị trí xây dựng các cầu đường bộ kết nối đô thị này với TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Để phục vụ khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa, TP.Biên Hòa đã kiến nghị đưa vào quy hoạch tỉnh vị trí xây dựng cầu kết nối với TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương tại khu vực bến đò Xóm Lá. Ảnh: P.TÙNG |
Vào đầu tháng 6 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, nhu cầu kết nối giao thông vùng trở nên cấp bách hơn.
* Kết nối giao thông cho sân bay Biên Hòa khi khai thác lưỡng dụng
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Theo nội dung quy hoạch, trong thời kỳ 2021-2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không. Trong đó, Đồng Nai có 2 cảng hàng không Long Thành (cảng hàng không quốc tế) và Biên Hòa (cảng hàng không quốc nội, được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).
Trong quy hoạch kết nối giao thông giữa TP.Biên Hòa và TP.Dĩ An (Bình Dương) sẽ có 6 vị trí kết nối giữa 2 đô thị. Trong số này, có 1 vị trí được bổ sung mới là điểm kết nối giữa đường D1, khu Đông Bắc TP.Dĩ An với đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đi quốc lộ 1K. |
Việc Sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng sẽ tạo thêm cơ hội, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội cho TP.Biên Hòa nói riêng và tỉnh nói chung. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán về đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khi sân bay Biên Hòa được khai thác lưỡng dụng.
Trên thực tế, hiện nay đối với TP.Biên Hòa, việc kết nối giao thông với sân bay Biên Hòa gần như phụ thuộc phần lớn vào tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ. Do đó, khi sân bay Biên Hòa được khai thác lưỡng dụng, áp lực giao thông dồn lên tuyến đường này sẽ rất lớn.
Chính vì vậy, để sẵn sàng cho việc khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, TP.Biên Hòa cần rà soát để đề xuất đầu tư thêm các tuyến giao thông kết nối mới phục vụ nhu cầu trong tương lai.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp, trong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh, TP.Biên Hòa đã có lưu ý và đề xuất đưa vào quy hoạch vị trí xây dựng cầu kết nối giữa TP.Biên Hòa và TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) tại khu vực bến đò Xóm Lá, P.Bửu Long. Việc xây dựng thêm cầu đường bộ tại vị trí này sẽ tạo thêm tuyến kết nối mới giữa TP.Biên Hòa và tỉnh Bình Dương. Từ đó, giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ khi sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác lưỡng dụng. Đơn vị tư vấn cần lưu ý để đưa vị trí này bổ sung vào quy hoạch tỉnh.
* Cần thiết có cầu kết nối xã Long Hưng với Q.9, TP.HCM
Cũng nằm trong chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối phục vụ phát triển, trong góp ý vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Biên Hòa đề xuất bổ sung vị trí xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực xã Long Hưng với Q.9, TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Theo UBND TP.Biên Hòa, đối với việc xây dựng thêm cầu đường bộ kết nối giữa TP.Biên Hòa và TP.HCM, Sở GT-VT Đồng Nai đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất được thêm các vị trí kết nối mới.
Khu vực xã Long Hưng đang phát triển mạnh các chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai trên địa bàn TP.Biên Hòa. Để phục vụ phát triển, dự án Đầu tư xây dựng hương lộ 2 nối dài và cầu Vàm Cái Sứt cũng đang được triển khai thực hiện. Mặc dù vậy, tuyến kết nối này cũng chưa đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP.Biên Hòa với TP.HCM mà vẫn phải thông qua tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Do đó, TP.Biên Hòa vẫn rất “tha thiết” đưa vào quy hoạch một vị trí để phục vụ xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực Long Hưng với Q.9 trong tương lai.
Ông Trương Vĩnh Hiệp cho hay, quy hoạch tỉnh lần này có tầm nhìn đến năm 2050, rất dài hạn. Có thể đến năm 2030 hoặc 2045 chưa thể đầu tư xây dựng được cầu đường bộ kết nối khu vực Long Hưng với Q.9 nhưng quy hoạch đến năm 2050 thì cần bổ sung, đưa thêm vào quy hoạch vị trí này. Quy hoạch tỉnh sẽ được trình các bộ, ngành trung ương xem xét thì cần bổ sung vị trí trên để các bộ, ngành thấy được sự cần thiết phải đầu tư trong tương lai. Từ đó, Đồng Nai có cơ hội để thực hiện sau này, bởi nếu không đưa vào quy hoạch tỉnh lần này thì 20-30 năm sau, chúng ta sẽ không có cơ sở để thực hiện.
Phạm Tùng