Từ đầu năm đến nay, UBND đã ban hành 2 quyết sách đối với ngành chăn nuôi. Một là di dời, chấm dứt hoạt động hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi không đảm bảo, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hai là tổng kiểm tra môi trường gần 10 ngàn cơ sở chăn nuôi.
[links()]Từ đầu năm đến nay, UBND đã ban hành 2 quyết sách đối với ngành chăn nuôi. Một là di dời, chấm dứt hoạt động hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi không đảm bảo, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hai là tổng kiểm tra môi trường gần 10 ngàn cơ sở chăn nuôi.
Nuôi bò vỗ béo tại trang trại Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Lộc |
Quan điểm của tỉnh là phát triển chăn nuôi phải đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường. Điều này vừa giảm rủi ro cho cơ sở, vừa góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
* Sắp xếp lại ngành chăn nuôi
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời sắp xếp lại trật tự ngành chăn nuôi, cuối tháng 2-2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 296/QÐ-UBND phê duyệt di dời 3.006 cơ sở chăn nuôi (chủ yếu là heo và gà) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các cơ sở có tên trong quyết định phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi theo đúng lộ trình, chậm nhất là trước ngày 31-12-2024. Sở NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc di dời, chấm dứt chăn nuôi. Chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện di dời, chấm dứt các cơ sở chăn nuôi theo quy mô quản lý.
Tiếp đó, tháng 4-2023, UBND tỉnh ban hành quyết định kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với 9.832 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, trong khoảng thời gian từ ngày 15-4 đến ngày 15-7. Quyết định giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và 11 địa phương thực hiện việc kiểm tra theo phân cấp quản lý.
Chia sẻ về 2 quyết định trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đã được người dân, báo chí phản ánh nhiều. Hàng năm, tỉnh và các địa phương kiểm tra, giám sát, xử phạt nhiều cơ sở nhưng tình trạng vi phạm vẫn phức tạp. Thời gian tới, tỉnh sẽ cương quyết thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi đang hoặc có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các địa phương sẽ xử lý các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng điều kiện về môi trường, không phù hợp quy hoạch.
Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng của UBND tỉnh về môi trường chăn nuôi vào tháng 3-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Đồng Nai không cấm chăn nuôi nhưng phải đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường. Tỉnh tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ. Không thể để tồn tại cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, gần nguồn nước vì sẽ đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng”.
* Phát triển chăn nuôi bền vững
Hiện tại, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương đang tổ chức rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh. Theo yêu cầu của tỉnh, các cơ sở chăn nuôi buộc phải vào khu quy hoạch được phép chăn nuôi; phải có giấy phép môi trường do UBND cấp xã, huyện, tỉnh cấp tùy theo quy mô. Trước khi chăn nuôi, chủ cơ sở phải làm thủ tục xác nhận hoàn thành công trình BVMT; chịu sự giám sát của cơ quan chức năng trong suốt quá trình hoạt động.
Giết mổ heo tại lò mổ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) |
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá lại quy mô, tỉ trọng đóng góp và nguy cơ của ngành chăn nuôi. Trên cơ sở đó, có kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi phù hợp quỹ đất quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. HĐND tỉnh sẽ có giám sát chuyên đề về BVMT trong chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh, các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) Lê Văn Quyết chia sẻ, doanh nghiệp đồng tình với quyết định của UBND tỉnh về việc ngưng hoặc di dời các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Điều này sẽ từng bước “thanh lọc” dần các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết lại, mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh. Ông Quyết kiến nghị có lộ trình, có hỗ trợ cho các cơ sở phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi.
Theo Nghị quyết số 24, ban hành năm 2022 của Bộ Chính trị, Đồng Nai sẽ là tỉnh công nghiệp - thương mại dịch vụ, việc phát triển chăn nuôi vẫn được chú trọng nhưng phải sắp xếp, quy hoạch lại. Việc làm này đòi hỏi sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, đồng lòng cao của người dân. Làm được điều này, mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững hơn sẽ sớm thành hiện thực.
Hoàng Lộc