Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ

08:06, 14/06/2023

Tổng cục Du lịch vừa có văn bản yêu cầu sở VH-TTDL các địa phương trong cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ từ một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang rao bán trên thị trường du lịch.

Tổng cục Du lịch vừa có văn bản yêu cầu sở VH-TTDL các địa phương trong cả nước đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ từ một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) đang rao bán trên thị trường du lịch.

Khách tham quan, nghỉ dưỡng tại TP.Đà Lạt do Công ty TNHH Golden Trip tổ chức. Ảnh: N.Liên
Khách tham quan, nghỉ dưỡng tại TP.Đà Lạt do Công ty TNHH Golden Trip tổ chức. Ảnh: N.Liên

Theo Tổng cục Du lịch, thời gian qua, Tổng cục đã nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ ngoài việc phải thanh toán trước cho bên bán kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, còn phải thanh toán các khoản phí một cách bất thường; thông tin từ bên bán gây nhầm lẫn cho người mua thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch về sản phẩm, dịch vụ và một số nội dung khác…

* Mập mờ thông tin về sở hữu kỳ nghỉ

Sở hữu kỳ nghỉ là gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng. Chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác. Mỗi người tham gia mua gói sở hữu kỳ nghỉ có giá trị từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, những năm qua, hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ban đầu, chủ sở hữu kỳ nghỉ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh, như phí duy trì, phí thường niên… Điều đáng nói, các khoản chi phí này thường không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng và đầy đủ.

Người tiêu dùng cần yêu cầu DN cung cấp đầy đủ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt là những vấn đề như: nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài. So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của DN với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng.

Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) Nguyễn Văn Hậu cho biết, qua nắm bắt thông tin liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ có nhiều chi tiết bất lợi cho người mua. Nhiều ý kiến phản ánh đã liên tục gửi cơ quan chức năng là Sở VH-TTDL. Theo ông Hậu, một số phản ánh điển hình trong thời gian qua như: Tại thời điểm ký kết, DN cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ chưa đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú theo quy định của pháp luật; hợp đồng DN sử dụng để ký kết với người nộp thuế có nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho khách hàng; miễn trừ trách nhiệm cho công ty; loại bỏ quyền khiếu nại của người tiêu dùng...

* Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân

Thực tế, nhiều khách hàng sở hữu kỳ nghỉ đã không được sở hữu kỳ nghỉ như mong đợi. Người mua kỳ nghỉ dưỡng không có quyền chuyển nhượng, không có quyền linh hoạt sử dụng. Nếu như bản chất của dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ là mang đến cho người tiêu dùng những kỳ nghỉ đúng nghĩa, thì những người mua dịch vụ này không hề được nhận và hưởng những chất lượng như cam kết…

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân du lịch, Tổng cục Du lịch đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền với người dân nâng cao nhận thức về mô hình sở hữu kỳ nghỉ theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Trùng Khánh đề nghị người dân tìm hiểu rõ bản chất, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và các rủi ro tiềm ẩn trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu, chào bán sở hữu kỳ nghỉ; cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ sẽ được giới thiệu tại sự kiện, bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm…

Trong hợp đồng chưa rõ ràng, người tiêu dùng cần yêu cầu DN làm rõ từng nội dung, trách nhiệm của từng bên. Khi các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” thì đề nghị thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ rõ ràng, chi tiết, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều