Việc phát triển du lịch tại Đồng Nai đến nay còn manh mún, nhỏ lẻ, các dự án khởi nghiệp lĩnh vực du lịch mới chỉ có những thành công bước đầu.
Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch đến nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, các dự án mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch mới chỉ có những thành công ở bước đầu.
Mô hình khởi nghiệp từ địa phương của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Meerkat Travel. Ảnh: V.Gia |
Để thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp du lịch, thời gian tới, ngành du lịch Đồng Nai cần làm mới mình, thay đổi tư duy, ứng dụng các giải pháp công nghệ phục vụ cho phát triển.
* Cơ hội rộng mở
Toàn tỉnh hiện có 57 di tích xếp hạng (gồm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh) và rất nhiều điểm đến hấp dẫn du khách. Đồng Nai có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong trục kinh tế phát triển của vùng Đông Nam bộ, trục giao thông có tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 20 đi khu vực Tây Nguyên, quốc lộ 51 về Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng.
Bên cạnh đó, du lịch sinh thái được coi là “mỏ vàng” của Đồng Nai gắn liền với khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cùng với các vùng trái cây nhiệt đới... Đây là điều kiện để các mô hình khởi nghiệp từ du lịch của Đồng Nai phát triển.
Ông Nguyễn Nho Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Meerkat Travel (H.Định Quán) chia sẻ, mô hình của ông là một trong những đơn vị lâu năm hoạt động du lịch trải nghiệm. Meerkat Travel khai thác những hoạt động về đi bộ xuyên rừng, leo núi theo các cấp độ, các tour cắm trại dã ngoại, các hoạt động nhóm, đạp xe xuyên rừng, tổ chức các sự kiện... DN này liên kết với nhiều công ty dịch vụ du lịch - lữ hành lớn để tổ chức các tour dã ngoại.
Tiềm năng trong tương lai là rất lớn nhưng ông Kiên còn nhiều trăn trở, trong đó vấn đề lớn là nguồn nhân lực cho phát triển du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo ông Kiên, sự phát triển tự phát, tay ngang sang làm du lịch sẽ rất khó để có bước đột phá nếu nguồn nhân lực không được đào tạo bài bản. Trong tương lai, các ngành chức năng cần có lớp đào tạo cho chủ DN nói riêng và cả các lao động tại từng đơn vị.
Tương tự, mô hình của HTX Nông trại Dốc Mơ (Dốc Mơ Farm) tại H.Thống Nhất hướng tới phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng. Nông trại Dốc Mơ có diện tích 16ha, toàn bộ cây trồng, vật nuôi trong nông trại đều được nuôi trồng không dùng hóa chất. Nông trại Dốc Mơ đã trở thành điểm du lịch nông nghiệp thu hút lượng lớn du khách đến từ các nơi. Khách du lịch được tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống, phương pháp canh tác và cách làm các sản phẩm sạch của nông trại.
“Với thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, các DN khởi nghiệp du lịch cần hướng tới các giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là chú trọng đến xây dựng sản phẩm du lịch thông minh để khơi nguồn cảm hứng du lịch cho du khách” - Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN cho biết. |
Ông Hoàng Công Phước, Giám đốc HTX Nông trại Dốc Mơ cho hay, khi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, việc chuyển đất nông nghiệp sang hoạt động dịch vụ, mà cụ thể là phục vụ khách du lịch rất cần thiết, song mấy năm nay HTX vẫn loay hoay chưa thể được như ý. Đây chính là thời điểm mà DN cần sự hỗ trợ từ địa phương một cách thiết thực nhất.
* Muốn phát triển bền vững cần thay đổi tư duy
Thế mạnh phát triển du lịch của Đồng Nai rất nhiều, tuy nhiên việc khai thác, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Điểm yếu của du lịch nội tỉnh là cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo chuỗi sản phẩm đặc trưng; các khu, điểm du lịch hiện hữu gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư sản phẩm, dịch vụ mới. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu sáng tạo nên kết quả đạt được chưa cao.
Đánh giá về du lịch Đồng Nai, ThS Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng, nếu được đầu tư bài bản, khoảng 5 năm tới, Đồng Nai sẽ có vị trí nổi bật trong thị trường du lịch của vùng Đông Nam bộ, cũng như cả nước. Cần phải cho thấy “một Đồng Nai rất khác” trong phát triển kinh tế, bởi không chỉ có công nghiệp mà địa phương được thiên nhiên ưu đãi rất lớn về tiềm năng du lịch. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của từng DN thì cơ quan chức năng cần có thêm giải pháp tổng thể, kết nối các điểm đến lại với nhau, giúp du khách khi đến Đồng Nai là đi, nhớ và muốn được quay trở lại.
Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển du lịch. Du lịch là mảnh đất tiềm năng cho các nhà khởi nghiệp nhưng muốn khởi nghiệp du lịch cần phải có sự sáng tạo và tầm nhìn, tư duy lại về phát triển. Đồng Nai mong muốn tiếp tục nhận được nhiều đóng góp từ các chuyên gia, DN để nâng cao tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, từ đó phát triển ngành du lịch của địa phương.
Văn Gia