Hiện nay, việc đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư công được xem là "trụ đỡ" cho sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, giải ngân nguồn vốn đầu tư công ở Đồng Nai lại khá chậm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức |
Hiện nay, việc đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư công được xem là “trụ đỡ” cho sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, giải ngân nguồn vốn đầu tư công ở Đồng Nai lại khá chậm. Để rõ hơn các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Tổng nguồn vốn đầu công trên địa bàn tỉnh năm 2023 là gần 13 ngàn tỷ đồng, việc giải ngân đến cuối tháng 4 vừa qua là gần 1,3 ngàn tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 600 tỷ đồng, giải ngân được hơn 25 tỷ đồng, đạt hơn 4,2% kế hoạch. Vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, chưa giải ngân và vốn ngân sách địa phương hơn 10 ngàn tỷ đồng, giải ngân được hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, đạt trên 12% kế hoạch.
* Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp?
- Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh ở những tháng vừa qua thấp là do một số dự án chưa kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Đồng thời, nhiều dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 bố trí vốn chuyển tiếp, tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao là do phải hoàn phần tạm ứng hợp đồng. Ở một vài dự án bố trí vốn khởi công mới năm 2023 còn đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, trình thẩm định phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp dự kiến khởi công vào quý II-2023. Với các dự án này tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao bởi chủ yếu thanh toán phần khối lượng tư vấn. Cùng với đó, nhiều dự án phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án giao thông đang thực hiện công tác đo vẽ, kiểm đếm, công bố… Theo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến quý III-2023 mới hoàn thành thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho dân nên các tháng đầu năm cũng chưa có khối lượng để thanh toán.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, cần phải đánh giá, nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án để thực hiện quản lý dự án được chuyên nghiệp hơn. Các chủ đầu tư xây dựng đường gantt công việc, xác định tiến độ, lộ trình, thời gian đối với từng dự án. Qua đó sẽ thấy được những điểm nghẽn để tập trung xử lý. Sở Nội vụ cần theo dõi kỹ và xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. |
Ngoài ra, còn do vướng mắc về cơ chế, chính sách phải tuân thủ Luật Đầu tư công, như về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định; về thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn… cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
* Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án?
- Với tình hình khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ở khối tư nhân như hiện nay thì việc càng nhanh chóng đưa được nguồn vốn đầu tư công giải ngân sớm sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kịp thời. Đặc biệt, ở giai đoạn này thì vốn đầu tư công còn có tác dụng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.
Việc giải ngân tốt vốn đầu tư công lúc này không chỉ tạo việc làm ngay trước mắt mà nguồn vốn này còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đây là lợi ích kép mà vốn đầu tư công mang lại. Qua tính toán của các nhà kinh tế, khi giải ngân được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo được 1,61 đồng vốn đầu tư từ khối tư nhân, như vậy sẽ góp phần vào giải quyết việc làm rất hiệu quả; cứ giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP tăng thêm 0,058%, vì thế vốn đầu tư công góp phần kích cầu kinh tế rất hiệu quả và bền vững.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức (bìa phải) đi kiểm tra đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: V.NAM |
* Các dự án lớn trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ vốn đầu tư công sẽ có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?
- Như tôi đã trao đổi, vốn đầu tư công khi được giải ngân sẽ kéo theo cả nguồn vốn ngoài nhà nước cũng được đưa vào đầu tư. Chính vì vậy, bất kể dự án lớn hay nhỏ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công khi giải ngân kịp thời đều rất cần thiết. Dĩ nhiên, những dự án lớn sẽ có những lan tỏa lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ. Tôi lấy ví dụ, những dự án giao thông lớn trên địa bàn tỉnh đang tập trung đầu tư như: đường vành đai 3, 4 - TP.HCM, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…, khi hoàn thành sẽ có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh mà còn cả khu vực Đông Nam bộ. Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, các dự án hạ tầng sẽ có tác động rất mạnh đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những dự án vừa nêu khi nó kết nối với sân bay Long Thành và cảng biển.
* Hiện nay, giải phóng mặt bằng chậm đang “cản trở” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vậy giải pháp của tỉnh để xử lý vấn đề này ra sao?
- Trong các cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đều rất quan tâm nhắc nhở về tiến độ các dự án đầu tư công. Tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công như: Bí thư các địa phương phải quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, thường xuyên giao ban để chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư công, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho từng dự án. UBND cấp huyện rà soát cập nhật, thực hiện các quy hoạch chi tiết đối với các khu tái định cư, huy động các nguồn lực của địa phương, của tỉnh hoặc các nguồn lực khác để chủ động đầu tư các khu tái định cư trên địa bàn nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư dự án trên địa bàn. Tôi cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng phải tập trung cả hệ thống chính trị chứ không riêng cơ quan chuyên môn.
* Xin cảm ơn ông!
Vân Nam (thực hiện)