Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc

08:03, 30/03/2023

Trong tháng 3-2023, sản xuất và xuất khẩu của Đồng Nai chưa trở lại được mức như cùng kỳ năm trước nhưng đã có dấu hiệu tốt hơn so với 2 tháng trước đó.

Trong tháng 3-2023, sản xuất và xuất khẩu của Đồng Nai chưa trở lại được mức như cùng kỳ năm trước nhưng đã có dấu hiệu tốt hơn so với 2 tháng trước đó. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu nhận được đơn hàng sản xuất cho dịp giữa và cuối năm.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch). Ảnh: U.Nhi
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch). Ảnh: U.Nhi

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 3-2023 của Đồng Nai đạt gần 1,83 tỷ USD, tăng gần 11% so với tháng trước đó. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị và phụ tùng… đều tăng từ 9-11% so với tháng 2-2023.

* Tình hình sáng sủa hơn

Nhiều DN cho rằng, tuy sản xuất và xuất khẩu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, công lao động và các chi phí khác gia tăng, trong khi đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp và tăng ít, nhưng tình hình đã có dấu hiệu sáng sủa hơn. Cụ thể, các đối tác nước ngoài đã bắt đầu trở lại đặt hàng và các đơn hàng cũng lớn hơn so với tháng 1-2 vừa qua. DN đang hy vọng trong những tháng tới sẽ ký kết được nhiều đơn hàng hơn và sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu trong quý I-2023 của tỉnh đạt gần 4,87 tỷ USD. Trong đó, chỉ có 2 mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước là cà phê và cao su.

Phó cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai Lê Thị Hoa Hồng cho biết: “Trong tháng 3-2023, các DN bắt đầu nhận được các đơn hàng mới cho sản xuất nên xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Tuy sản xuất, xuất khẩu của DN chưa phục hồi được như cùng kỳ năm trước, nhưng dấu hiệu đang tốt dần lên. Và khả năng những tháng tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao”.

Hiện nay, trong kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai có hơn 73% thuộc về DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn lại gần 17% thuộc về DN có vốn đầu tư trong nước. Hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh xuất qua hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng vẫn tập trung tại một số thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu. Thời gian qua, những thị trường trên bị lạm phát, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của tỉnh.

Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thu chia sẻ: “Sản xuất giày dép của công ty đang trên đà phục hồi, người lao động có đủ việc làm 8 tiếng/ngày và không phải nghỉ 2-3 ngày/tuần như một số công ty khác”.

* Chưa thoát khỏi khó khăn

Dù xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại, nhưng theo nhận định của các hiệp hội, chuyên gia kinh tế thì trong năm 2023, DN vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Trong quý III và IV-2023, sản xuất và xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn nhưng DN vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro vì những thị trường lớn vẫn có mức lạm phát cao, kinh tế toàn cầu vẫn trên đà suy giảm và phục hồi rất chậm.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Lục Văn Thủy nhận xét: “Khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai nằm ở thị trường Hoa Kỳ nên nền kinh tế nước này tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số ngành như: sản xuất gỗ, giày dép, dệt may sẽ chưa thoát khỏi khó khăn trong 1-2 quý tới”.

Sản xuất sản phẩm ắc quy xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Central Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch)
Sản xuất sản phẩm ắc quy xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Central Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch)

Theo Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2023 là 27 tỷ USD nhưng sẽ rất khó để đạt được khi thị trường toàn cầu giảm tiêu dùng. Đặc biệt là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành giày dép sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn trong việc tìm đơn hàng mới tại nhiều nước. Ngành giày dép trông đợi cuối năm kinh tế thế giới bớt khó khăn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, nhu cầu mua sắm tăng, DN sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức cho hay: “Gần đây, công ty nhận được đơn hàng cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu nhiều hơn. Công ty đang nỗ lực tìm thêm khách hàng trong và ngoài nước để đảm bảo sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy chưa thoát khỏi khó khăn nhưng DN cũng đỡ chật vật hơn trong việc tìm đơn hàng để duy trì sản xuất”.

Năm 2023, Đồng Nai đặt ra kế hoạch kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 8-8,5% so với năm 2022. Để đạt kết quả trên sẽ không dễ dàng vì kim ngạch xuất khẩu quý I-2023 giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều