Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng dân dụng trầm lắng

08:03, 13/03/2023

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà diễn ra khá chậm do những khó khăn, tác động của thị trường bất động sản, giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động…

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà diễn ra khá chậm do những khó khăn, tác động của thị trường bất động sản, giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động…

Người dân tham khảo các loại vật liệu xây dựng tại một cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân
Người dân tham khảo các loại vật liệu xây dựng tại một cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

Khảo sát tại nhiều công ty chuyên về thiết kế, xây dựng dân dụng trên địa bàn tỉnh, thời gian này, số lượng công trình thi công sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

* Thị trường ảm đạm

Theo Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt - Vinatrends (TP.Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Hà, do những ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản “đóng băng” nên trong những tháng đầu năm nay, nhu cầu và doanh thu về xây dựng dân dụng, nhà ở bị sụt giảm khá nhiều.

“Hoạt động xây dựng thường khá nhộn nhịp vào những tháng cuối năm và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, số lượng hợp đồng, doanh số sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tình trạng chung của nhiều công ty về thiết kế, xây dựng nhà ở trong thời gian qua” - ông Hà cho biết.

Tương tự, ông Vũ Văn Dũng, giám đốc một công ty tư vấn, thiết kế xây dựng ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) cho hay, số lượng công trình thi công thời gian đây giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ các công ty xây dựng, nhiều cửa hàng, đại lý vật liệu xây dựng cũng rơi vào cảnh ế ẩm, chờ khách mua. Bà Nguyễn Thủy, đại diện một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, sức mua vật liệu xây dựng từ sau Tết đến nay rất chậm, giảm một nửa so với cuối năm ngoái.

*Giá vật liệu biến động

Những tháng đầu năm, giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động đã ảnh hưởng không ít doanh nghiệp, công ty xây dựng, cũng như cũng ít nhiều tác động đến nhu cầu xây, sửa nhà của người dân trong giai đoạn này.

Từ đầu năm đến nay, giá thép đã có khoảng 5-6 lần điều chỉnh đồng loạt. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bình quân giá thép vào cuối tháng 2-2023 tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022. Giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nguyên vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Do đó, giá sắt thép dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nguồn cung quặng sắt eo hẹp, trong khi nhu cầu có xu hướng tăng cao hơn.

Theo nhiều cửa hàng, đại lý về thép xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép có nhiều lần tăng giá với tổng mức tăng khoảng 1 triệu đồng/tấn. Hiện giá sắt thép tại các đại lý bán ra phổ biến trong khoảng 17-18 triệu đồng/tấn tùy loại.

Bà Nguyễn Thủy chia sẻ thêm, nếu như các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, gạch biến động, có lúc tăng lúc giảm thì từ đầu năm nay đến nay, giá thép liên tục tăng. Trong đó, giá các loại sắt cây tăng 1-2 ngàn đồng/cây. Ngoài ra, giá xi măng phổ biến từ 76-95 ngàn đồng/bao 50kg tùy loại, cát xây dựng từ 380-430 ngàn đồng/khối, gạch ống khoảng 1,2 ngàn đồng/viên, đá xây dựng khoảng từ 190-230 ngàn đồng/khối tùy loại…

Ông Vũ Văn Dũng chia sẻ, giá nhiều loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép… tăng khoảng 5-10%. Trong khi đó, số lượng các dự án, công trình về xây dựng dân dụng cũng bị giảm khá nhiều nên lượng “đầu việc”, gói thầu trong các công trình cũng phải cân đối, phân chia lại.

Giá vật liệu xây dựng biến động, nhất là giá thép tăng liên tục trong thời gian qua cũng khiến cho nhiều người dự định xây, sửa nhà cần tính toán lại các chi phí phát sinh, thắt chặt chi tiêu…

Ông Hoàng Vĩ (P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho biết, ngôi nhà gia đình ông đang ở đã xây dựng cách đây hơn 20 năm nên hiện có dấu hiệu xuống cấp. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, gia đình ông có ý định xây lại nhà nhưng từ đó đến nay, giá nguyên vật liệu xây dựng liên tục biến động theo chiều hướng tăng nên ông chưa thể thực hiện.

"Không thể chần chờ lâu nên vừa vào mùa xây dựng từ đầu tháng 2 âm lịch, tôi đã tiến hành xây dựng lại nhà. Từ những tháng đầu năm nay, giá thép tăng, tính ra chi phí sắt thép tăng thêm vài chục triệu đồng. Các loại khác như cát, gạch đá... cũng tăng nhẹ khiến chi phí đội lên. Làm công trình nhà ở nên tôi phải cân đối, tính toán lại tất cả chi phí hàng ngày, hàng giờ" - ông Vĩ chia sẻ.

Hải Quân

Tin xem nhiều