Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

08:03, 11/03/2023

Đầu năm thường là dịp các doanh nghiệp (DN) và cá nhân tìm nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đầu năm thường là dịp các doanh nghiệp (DN) và cá nhân tìm nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn thế nữa, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận được nguồn vốn vay sẽ giúp các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh giảm bớt những áp lực về dòng vốn lưu động trong giai đoạn hiện nay.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Đồng Nai triển khai nhiều chương trình tín dụng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có các gói tín dụng, phương án hỗ trợ lãi suất cho các DN, HTX, nhất là các DN nhỏ và vừa, xuất nhập khẩu…

* Triển khai nhiều chương trình cho vay

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 2-2023, dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 63,3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 19% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh.

Tương tự, dư nợ cho vay đối với hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 42 ngàn tỷ đồng, tăng gần 2% so với cuối năm ngoái. Đây là những lĩnh vực cho vay với lãi suất ưu đãi theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Với nhiệm vụ cung ứng vốn cho tổ chức, DN và người dân, nhiều ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tăng cường nguồn vốn cho vay đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, hàng công nghiệp, phát triển DN vừa và nhỏ...

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong thời gian tới, ngành ngân hàng trong tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, tăng cường truyền thông chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng từ ngân sách nhà nước (gói 40 ngàn tỷ đồng) theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa cho biết, tính đến cuối tháng 2-2023, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của chi nhánh đạt hơn 2,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng dư nợ của chi nhánh. Trong đó, dư nợ đối với các khách hàng DN nhỏ và vừa đạt hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi nhánh chú trọng hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu khách hàng theo hướng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, tín dụng đối với DN nhỏ và vừa, phát triển DN vốn đầu tư nước ngoài, củng cố khách hàng DN lớn và tăng cường tín dụng xanh… Trong đó, chi nhánh đang triển khai nhiều chương trình của hệ thống BIDV như: gói vay tín dụng ngắn hạn 50 ngàn tỷ đồng cho vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng cá nhân; gói tín dụng 20 ngàn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực xanh…

Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản theo quy định; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

* Cần thêm sự kết nối giữa ngân hàng và DN

Hiện nay, nhiều DN mong muốn sớm được tiếp cận các gói vay vốn để duy trì, đảm bảo sản xuất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, nhất là sớm tiếp cận các chương trình hỗ trợ lãi suất vay để có thêm vốn phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ một DN trong lĩnh vực logistics ở TP.Biên Hòa cho hay, DN rất cần nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh khi mà doanh thu, lợi nhuận bị sụt giảm bởi tình hình kinh tế khó khăn và đầu ra, thị trường thiếu ổn định. Do đó, DN mong tiếp cận các chương trình, gói tín dụng với lãi suất phù hợp với trình tự, thủ tục đơn giản hơn để bổ sung thêm nguồn vốn đảm bảo sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa

Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia, việc tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là những nguồn vốn vay tín chấp, lãi suất ưu đãi đối với nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu tài sản thế chấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, khó chứng minh phương án kinh doanh khả thi…

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, tình hình kinh doanh của nhiều DN đang gặp khó khăn, đơn hàng bấp bênh, sụt giảm do những ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới. Điều này khiến cho DN rất khó xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả do đầu ra không ổn định, khó đánh giá được những biến động khó lường của thị trường.

Các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đang cần nguồn vốn vay để duy trì sản xuất nhưng không dễ đáp ứng được các yêu cầu, thủ tục về thẩm định để vay vốn, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng. Vì vậy, rất cần có thêm cầu nối giữa ngân hàng và DN để hướng tới phương án tiếp cận nguồn vốn phù hợp.

Ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ thêm, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, chương trình kết nối ngân hàng - DN bằng các hình thức phù hợp. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn với mức lãi suất cho vay phù hợp.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều