Những năm gần đây, hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai không phải chịu cảnh mua nước giá cao, dùng than hoặc cát để lọc nước nữa, bởi đã có nguồn nước cấp.
Những năm gần đây, hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai không phải chịu cảnh mua nước giá cao, dùng than hoặc cát để lọc nước nữa, bởi đã có nguồn nước cấp.
Bà Huỳnh Võ Mạnh Thiên (ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch) sử dụng nước sạch từ nguồn nước cấp. Ảnh: H.Lộc |
Việc phát triển hạ tầng nước sạch không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn do nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn, mà còn góp phần thực hiện tiêu chí nông thôn mới.
* Đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân
Còn nhớ mùa khô năm 2016, vùng hạ lưu sông Đồng Nai bị mặn xâm nhập sâu, có thời điểm độ mặn lên đến 7‰. Sau khoảng thời gian đó, nhiều hộ dân phải chuyển sang mua nước, mua máy lọc hoặc sử dụng than, cát xử lý nước. Nhu cầu nước sạch trở thành vấn đề bức thiết.
Trước thực tế này, H.Nhơn Trạch đã huy động các nguồn lực, cùng với đó là vận động doanh nghiệp (DN), người dân trên địa bàn chung tay đầu tư hệ thống nước sạch.
Trên địa bàn H.Nhơn Trạch hiện có 430 công trình cấp nước sạch với chiều dài 460km, vốn đầu tư khoảng 638 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt hơn 83%. |
Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhơn Trạch Ngô Dương Đại cho biết, năm 2020, được sự hỗ trợ của huyện, công trình cấp nước công suất 6,2 ngàn m3 tại xã Đại Phước đã hoàn thành. Đây là công trình khai thác nước ngầm để cấp nước sạch cho người dân các xã: Đại Phước, Phú Hữu, Phú Đông, nơi có nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng nhất huyện. Sau đó, tiếp tục được mở rộng để cung cấp cho khoảng 6 ngàn người dân.
Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư mới, H.Nhơn Trạch cũng hỗ trợ ngân sách cho các HTX nâng cấp trang thiết bị, tăng công suất trạm cấp nước tập trung nông thôn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chủ tịch UBND xã Phú Đông Lương Hữu Châu cho rằng, nhờ được đầu tư, nâng cấp kịp thời mà 4/5 ấp của xã đã có nước sạch. Ấp còn lại đang được đầu tư hạ tầng đường ống chính, sau đó xã đề xuất ngân sách huyện hỗ trợ và vận động xã hội hóa, nhân dân đóng góp làm tuyến nhánh rẽ về khu dân cư.
Ngoài vấn đề bị nhiễm phèn, mặn do biến đổi khí hậu, nguồn nước ở đây còn bị tác động bởi phát triển công nghiệp, thói quen xả rác thải ra môi trường của người dân.
Bà Huỳnh Võ Mạnh Thiên (ngụ ấp Chợ, xã Phước Thiền) cho biết, cuối năm 2022, gia đình bà đã chuyển sang dùng nước sạch, bởi nước sông, nước giếng đã bị nhiễm phèn mỗi khi mưa lớn, nước từ các khu công nghiệp tràn xuống kéo theo nhiều rác thải nguy cơ ô nhiễm cao.
Chủ tịch UBND xã Phước Thiền Nguyễn Hồng Phúc cho rằng, mặc dù đã đầu tư 54 tuyến nhánh rẽ nhưng nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn còn rất lớn, đặc biệt với các khu dân cư hai bên đường Trần Phú và đường 319. Xã đã xin chủ trương của huyện và lập kế hoạch, tới đây sẽ đầu tư khoảng 40 tuyến, chiều dài gần 13km để khép kín mạng lưới tuyến cấp nước nhánh rẽ để đạt mục tiêu 90% hộ dân được cấp nước sạch.
* Tiếp tục phát triển nước máy
Mặc dù vẫn chưa bao phủ nước sạch 100%, nhưng tại các vùng nước bị nhiễm phèn, mặn đã cơ bản có nước sạch. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục hỗ trợ, mời gọi các DN đầu tư tuyến chính, nhánh rẽ để người dân sớm có nước sạch.
Giám đốc Công ty CP Nhơn Trạch Ngô Dương Đại cho biết, từ nay đến năm 2025, công ty sẽ dành khoảng 60 tỷ đồng phát triển hạ tầng nước sạch trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Trong đó, đầu tư tuyến ống chính đấu nối vào công trình tại xã Đại Phước thay thế cho khai thác nước ngầm.
Ngoài ra, Nhà máy nước Nhơn Trạch hiện còn dư 50 ngàn m3/ngày đêm. Do đó, công ty tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn phát triển mạng lưới nhánh rẽ cấp nước cho người dân. Đối với các khu vực đầu tư tuyến mới, công ty sẽ gửi mẫu đơn về xã, người dân có nhu cầu có thể lấy và nộp đơn tại UBND xã mà không phải đến văn phòng công ty.
Một hộ dân ở ấp Chợ, xã Phước Thiền đào đường ống chờ nước sạch |
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn H.Nhơn Trạch đã có 430 công trình cấp nước sạch được hoàn thành với chiều dài 460km. Trong đó, có 43 đường ống truyền tải chính dọc các tuyến đường và 387 tuyến nhánh rẽ.
Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch Trần Thu Hạnh chia sẻ, cách làm của địa phương là thông qua các buổi đối thoại Huyện ủy, UBND huyện vận động người dân, DN đồng hành với địa phương trong đầu tư hạ tầng nước sạch. Thông qua các cuộc vận động này, hơn 70 tuyến nhánh rẽ được đầu tư với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện vận dụng các quy định của UBND tỉnh hỗ trợ 70% ngân sách cho DN đầu tư tuyến cấp nước nhánh rẽ; hỗ trợ 50% nguồn vốn ngân sách cho DN đầu tư công trình nhánh rẽ cấp nước cho 10 hộ dân trở lên… Huyện cũng cân đối nguồn vốn ngân sách cùng với nhà đầu tư làm đường ống cấp nước chính nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ tuyến chính theo quy hoạch đô thị mới.
Để hài hòa lợi ích với nhà đầu tư, huyện vận động người dân dùng nước cấp, đóng góp tiền làm hạ tầng nước sạch. Hướng dẫn cấp xã xác nhận nguồn gốc nhà ở, vị trí đất, tạo điều kiện cho các hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đăng ký nước sạch.
Hoàng Lộc - Xuân Mai