Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công vừa viết tâm thư gửi Ngân hàng Nhà nước với nguyện vọng có giải pháp kịp thời hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn để người chăn nuôi không rơi vào cảnh phá sản.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công vừa viết tâm thư gửi Ngân hàng Nhà nước với nguyện vọng có giải pháp kịp thời hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn để người chăn nuôi không rơi vào cảnh phá sản.
Một cơ sở giết mổ, phân phối thịt heo tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Người nuôi “treo chuồng”
Trước đây, ngành chăn nuôi luôn thuộc tốp đầu về tăng trưởng và mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Nhưng hơn 1 năm qua, họ phải “gồng mình” gánh lỗ và dự báo về thị trường thời gian tới vẫn khó khởi sắc.
Cụ thể, giá heo hơi trong tuần qua tiếp tục có đợt giảm giá mới. Nhiều tỉnh, thành, giá heo hơi đang ở mức trên 50 ngàn đồng/kg giảm còn từ 48-50 ngàn đồng/kg.
Chăn nuôi gà lông màu, gà công nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn vì giá bán ra thấp hơn giá thành sản xuất.
Theo một số doanh nghiệp, trang trại nuôi gà lông màu, gà công nghiệp, giá thành sản xuất của gà lông màu hiện từ 39-43 ngàn đồng/kg, gà công nghiệp gần 30 ngàn đồng/kg. Nhưng giá bán gần đây, gà lông màu ở mức từ 33-37 ngàn đồng/kg; gà công nghiệp chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi phải gánh lỗ liên tục từ tháng 12-2022 đến nay và đang lâm vào bế tắc.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán tính toán, với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên mức 55 ngàn đồng/kg, nếu đàn heo tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh cao thì giá thành có thể đội lên trên 60 ngàn đồng/kg.
Với giá bán hiện nay, 1 con heo bán ra, người chăn nuôi lỗ cả triệu đồng, thậm chí cao hơn. Tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục đứng ở mức cao và nhiều chi phí phát sinh, nhiều trại có nguy cơ “treo” chuồng. Trong thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.
Cùng quan điểm, ông Công phân tích thêm, dịch tả heo châu Phi đã “bào mòn” sức sản xuất của người chăn nuôi. Đặc biệt, suốt thời gian dài từ sau dịch Covid-19, giá nguyên liệu thức ăn tăng, thị trường tiêu thụ giảm khiến sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành sản xuất. Cung vượt cầu là nguyên nhân khiến các công ty, trang trại trong nước, nhất là chăn nuôi nông hộ rơi vào cảnh phá sản hàng loạt.
Sớm có giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi
Trước tình trạng này, từ các công ty, trang trại, nông hộ đều đã hoặc có nhu cầu vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Trại heo ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) |
Ông Công chỉ ra: “Trong khi lúa gạo có chính sách tạm trữ - chính sách giá sàn thì chúng tôi, dù cũng sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu, lại không được hưởng chính sách này”.
Trong tâm thư, ông Công đưa ra các nguyện vọng kiện nghị Ngân hàng Nhà nước cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi, giúp bà con vực lại kinh tế. Cụ thể, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mong muốn, ngân hàng cho người nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19; tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động, bởi nếu đứt nguồn vốn thì nông dân có thể phá sản ngay.
Ngoài ra, hiện các ngân hàng đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có nông nghiệp. Nhưng qua khảo sát rất ít doanh nghiệp, trang trại được hưởng gói vay này.
Do đó, người chăn nuôi mong muốn sớm được tham gia gói hỗ trợ. Và quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, phía ngân hàng nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng. Với những doanh nghiệp tốt, Hiệp hội có thể tham gia bảo lãnh để họ được cho vay vốn.
Bình Nguyên