Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rừng, thác, hồ đến du lịch sinh thái vườn, camping, glamping, du lịch kết hợp nông nghiệp, nông thôn; du lịch sức khỏe, thể thao, hội nghị… Tuy nhiên, do vướng rào cản pháp lý nên du lịch của tỉnh vẫn chưa bứt phá như mong đợi.
Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rừng, thác, hồ đến du lịch sinh thái vườn, camping, glamping, du lịch kết hợp nông nghiệp, nông thôn; du lịch sức khỏe, thể thao, hội nghị… Tuy nhiên, do vướng rào cản pháp lý nên du lịch của tỉnh vẫn chưa bứt phá như mong đợi.
Du lịch cắm trại tự phát nở rộ ở khu vực hồ Trị An thời gian gần đây. Ảnh: N.Liên |
Bài 1: Du lịch tự phát nở rộ
Sau thời gian dài “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch dần hồi phục nhưng theo một xu hướng mới. Những mô hình du lịch theo nhóm nhỏ cắm trại, trải nghiệm, khám phá các vùng quê, cảnh quan thiên nhiên… nở rộ. Theo đó cũng hình thành các điểm du lịch nhỏ lẻ, manh mún.
Đồng Nai là vùng đất trù phú, có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo ra tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Thế nhưng, đa số mới phát triển dạng nhỏ lẻ, tự phát, gây ra nguy cơ về mất an ninh trật tự, tạo môi trường du lịch phát triển manh mún, thiếu chuyên nghiệp, chưa có sự quản lý chặt chẽ.
* Du lịch nhỏ lẻ phát triển nhanh
Hồ Trị An nằm trải dài qua các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Trảng Bom. Đây là hồ nhân tạo lớn của Việt Nam nằm giữa khu rừng già và trên hồ có hơn 70 đảo lớn nhỏ tạo phong cảnh rất đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan để được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống dân dã.
Chị Nguyễn Anh Thy (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, chị và nhóm bạn thường chọn những điểm du lịch sinh thái gần với TP.HCM. Để chuẩn bị cho chuyến đi cắm trại tại hồ Trị An, chị Thy chỉ cần lên Facebook và Google… gõ các từ khóa: Hồ Trị An, cắm trại hồ Trị An, camping hồ Trị An… là có thể tìm thấy hàng trăm trang thông tin về các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú du lịch bao quanh khu vực lòng hồ. Theo chị Thy, những điểm cắm trại nghỉ dưỡng mà nhóm chị chọn thường là khu vực của các hộ dân sống ven hồ. Tại đây, chị có thể thuê lều, SUP, cần câu cá hoặc xe đạp đi xuyên rừng vào buổi sáng sớm rất thú vị.
Đồng Nai là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với những vùng trồng chuyên canh chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh là thủ phủ trái cây của vùng Đông Nam bộ với những đặc sản như: bưởi Tân Triều, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Do đó, các mô hình du lịch nhỏ lẻ không khai thác hết tiềm năng của Đồng Nai. |
Tuy nhiên, do các điểm du lịch này hoạt động tự phát nên các vấn đề về môi trường, an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch chưa được bảo đảm. Điển hình là vụ trấn lột tiền du khách xảy ra gần đây tại khu vực bờ hồ đối với một số khách tự do, đi theo nhóm nhỏ. Hay như những vụ tai nạn đuối nước hàng năm vẫn thường xảy ra ở hầu hết các địa phương ven hồ.
Ngoài hồ Trị An, du lịch tự phát trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh thời gian qua. Đặc biệt là những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các vùng thuộc Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Nhơn Trạch và Long Khánh. Những sản phẩm này được người dân khai thác nhằm tạo thêm kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị và tạo thương hiệu cho nông sản địa phương.
Anh Văn Thành Toàn, chủ đầu tư điểm du lịch Vườn Hoa Bốn Mùa tại H.Xuân Lộc cho biết: “Với lợi thế vùng trồng trái cây sạch, tôi đã đầu tư thêm hoa, cây cảnh và một số hạng mục để phục vụ khách du lịch. Những năm gần đây, Vườn Hoa Bốn Mùa của tôi trở thành điểm du lịch nổi tiếng trên mạng xã hội, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan”.
Theo anh Toàn, từ khi mở cửa đón khách du lịch, giá trị nông sản đã tăng lên đang kể, doanh thu từ du lịch cao gấp nhiều lần so với tiêu thụ nông sản thuần túy.
* Du lịch vườn vướng đất đai
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, du lịch vườn, hồ ở Đồng Nai phát triển nhanh, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh muốn đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình du lịch vườn, hồ đem lại lợi nhuận cao cho nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Để trở thành điểm du lịch thu hút du khách, các chủ nhà vườn phải cải tạo vườn, có khu lưu trú, ăn uống, sinh hoạt… đạt các tiêu chuẩn cơ bản nhất trong ngành Du lịch. Hơn nữa, những tiêu chuẩn trên là yếu tố quan trọng để níu chân du khách, tăng nguồn thu cho các điểm du lịch.
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái hồ, vườn hiện nay do người dân khai thác trên đất nông nghiệp, đất lòng hồ chưa được quy hoạch phát triển du lịch. Do đó, để làm những hạng mục trên, nhiều nơi đã bị vướng các quy định của nhà nước về Luật Đất đai, Luật Xây dựng…
Theo ông Trần Quốc Phong, chủ vườn trái cây Út Tiêu ở xã Bình Lộc (TP.Long Khánh), Bình Lộc là địa phương phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn sớm của tỉnh. Mỗi năm, vào mùa trái cây, Bình Lộc thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch từ khắp nơi. Để phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách trong một ngày tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn, những công trình như: khu dịch vụ ăn uống, nhà chòi cho khách nghỉ chân, nhà vệ sinh và một số tiểu cảnh phải có. Tuy nhiên, nếu thực hiện các công trình trên sẽ không đúng với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng.
Ông Phong chia sẻ, nếu thực hiện các công trình tạm bằng nguyên liệu cây, lá thì chi phí khá cao mà tuổi thọ thấp. Hiện nay, Bình Lộc mới chỉ đón khách du lịch khoảng 3-4 tháng mỗi năm vào mùa trái cây, những tháng còn lại gần như không thu hút được khách vì ngoài trái cây, các nhà vườn không đầu tư thêm hạng mục nào trên đất vì vướng các quy định. “Nếu được cải tạo, đầu tư hạng mục, tôi tin nông dân sẽ có cách để thu hút du lịch quanh năm, tạo doanh thu, nâng cao mức sống vùng nông thôn” - ông Phong cho biết thêm.
Ngọc Liên - Hương Giang
Bài 2: Có “kim chỉ nam” du lịch vẫn ì ạch