Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sản phẩm địa phương 'phủ sóng' rộng hơn

08:03, 01/03/2023

Thời gian qua, đã có nhiều chương trình thúc đẩy các kênh bán hàng cho sản phẩm địa phương từ siêu thị đến các điểm bán lẻ, showroom. Tuy nhiên, nhìn chung đây mới chủ yếu là các kênh quảng bá, trong khi sức mua còn khiêm tốn.

Thời gian qua, đã có nhiều chương trình thúc đẩy các kênh bán hàng cho sản phẩm địa phương từ siêu thị đến các điểm bán lẻ, showroom. Tuy nhiên, nhìn chung đây mới chủ yếu là các kênh quảng bá, trong khi sức mua còn khiêm tốn.

Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hải Hà
Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch). Ảnh: Hải Hà

Người tiêu dùng, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.

* Chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã

Để có thể nâng cao sức mua và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đại diện nhiều siêu thị trong tỉnh cho hay, các sản phẩm địa phương cần chú trọng, đảm bảo những yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc, thường xuyên đổi mới thiết kế bao bì, mẫu mã và từng bước tạo độ phủ về bộ nhận diện đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản cần đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chú trọng sản xuất xanh, sạch.

Bà Hoàng Ngọc (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, nhiều lần đến mua sắm tại các siêu thị Co.opmart Biên Hòa, Big C Tân Hiệp, bà cũng chú ý đến các quầy, kệ sản phẩm địa phương Đồng Nai được trưng bày ở khu vực "mặt tiền", quầy thanh toán… Tuy nhiên, các sản phẩm này còn khá đơn điệu, chưa có nhiều dấu ấn về "ngoại hình" cũng như các chương trình quảng bá, khuyến mãi đủ để gây ấn tượng với khách hàng, nhất là giới trẻ.

Việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ muốn đạt được hiệu quả thì rất cần sự đồng bộ từ nơi sản xuất, các doanh nghiệp (DN) cung ứng hàng hóa và các đơn vị, chuỗi bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành và địa phương liên quan.

Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ chia sẻ, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng tăng cường nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu để đưa các nông sản của tỉnh, nhất là sản phẩm thế mạnh, sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ vào các kênh bán lẻ, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử… Tuy nhiên, để công tác phát triển thị trường cả ở trong nước và xuất khẩu phát huy hiệu quả thì vai trò của Nhà nước, các DN đầu tư vào nông nghiệp rất quan trọng.

* Phát triển hệ thống điểm bán sản phẩm thế mạnh

Việc phát triển thị trường cho sản phẩm địa phương cần tính đến các kế hoạch dài hơi, đổi mới các hình thức kết nối cung - cầu để nâng tầm từ giới thiệu, quảng bá sản phẩm lên thành kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững, đạt doanh thu cao cho các sản phẩm địa phương.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho hay, sản lượng hàng hóa tiêu thụ tại chợ khá ổn định, khoảng 210-250 tấn/ngày, trong đó sản lượng nông sản của Đồng Nai chiếm khoảng 35-40%. Bên cạnh việc kinh doanh các loại nông sản, thực phẩm, thời gian gần đây địa phương còn triển khai thêm điểm bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của địa phương tại chợ. Điều này mở ra cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương cũng như kênh tiêu thụ cho người dân tham khảo, mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương.

Theo kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban chỉ đạo 264 tỉnh) tiến hành trong năm 2022, có gần 30% ý kiến khảo sát cho rằng khi cần tìm kiếm hoặc mua sản phẩm, hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất, người tiêu dùng thường gặp một số khó khăn về tìm kiếm cửa hàng bán hàng Việt.

Bên cạnh đó, 14,5% ý kiến cho biết hàng hóa, sản phẩm Việt Nam còn trưng bày những chỗ khuất; 25,2% cho rằng khó tìm thông tin về sản phẩm Việt; 22,6% cho biết chế độ hậu mãi của nhiều sản phẩm còn ít và 7,7% cho biết người bán không khuyến khích mua hàng Việt. Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác như: giá cả cao, ít mặt hàng; ít đưa về nông thôn, lòng tin vào sản phẩm còn ít.

Anh Minh Quân (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú) cho hay, để chinh phục khách hàng thời hiện đại không dễ. Nếu không thể đầu tư mặt bằng lớn thì các sản phẩm địa phương cần đi vào những không gian nhỏ hơn như các cửa hàng bán lẻ, tạp hóa, chợ truyền thống…, vì đây vẫn là những kênh mua bán thu hút được nhiều khách hàng nhất. Đặc biệt, các thị trường ngách như chợ, tạp hóa khá gần gũi với không gian bình dân, gia đình, dễ tạo sự nhận diện về thương hiệu.

Về công tác hỗ trợ DN địa phương, cũng như phát triển thị trường cho hàng Việt nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh Vũ Đình Trung cho biết: “Trong thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản”.

Cũng theo ông Trung, tỉnh chú trọng nhân rộng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi để cung ứng ra thị trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; nhân rộng sản phẩm OCOP trên địa bàn; bảo vệ các sản phẩm sau khi được công nhận VietGAP, GlobalGAP…

Nhiều ý kiến người tiêu dùng chia sẻ, trong thời gian tới cần phát triển thêm các điểm bán hàng OCOP, sản phẩm địa phương tại chợ truyền thống, các địa phương vùng xa để nâng cao tính nhận diện, giúp người tiêu dùng có thêm địa điểm mua sắm các sản phẩm địa phương…

Hoàng Hải

Tin xem nhiều