Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xây dựng chuỗi liên kết đủ mạnh

07:03, 24/03/2023

Sáng 23-3, hội thảo đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2023 với chủ đề "Hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững" đã thu hút khoảng 200 đại biểu là nông dân, đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh tham gia.

Sáng 23-3, hội thảo đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2023 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững” đã thu hút khoảng 200 đại biểu là nông dân, đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh tham gia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: B.Nguyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: B.Nguyên

Hội nghị đã tiếp thu 46 ý kiến góp ý, trong đó có 18 ý kiến trực tiếp đặt vấn đề tại hội nghị. Đây là diễn đàn dân chủ để nông dân, HTX, doanh nghiệp… thẳng thắn tham gia ý kiến về khó khăn, tồn tại, đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* “Nóng” vấn đề đầu vào, đầu ra nông sản và vốn sản xuất

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của HTX, nông dân tập trung vào vấn đề “nóng” của sản xuất nông nghiệp như: giá vật tư đầu vào tăng cao, đầu ra nông sản, sản phẩm chăn nuôi lại bấp bênh...

Ông Nguyễn Văn Nữ, nông dân có 6ha đất trồng lúa tại xã Long Phước (H.Long Thành) lo lắng, giữa vụ lúa trước và vụ lúa sau chỉ khoảng 3 tháng, giá phân bón đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, giá lúa hầu như không tăng, người nông dân rất khó khăn. Nông dân chỉ mong giá vật tư đầu vào ổn định, đầu ra nông sản có giá tốt hơn để sản xuất đạt hiệu quả.

Nhiều ý kiến của các HTX, nông dân phản ánh khó khăn về đầu ra cho nông sản, nhất là nông sản sạch, vẫn mãi bấp bênh. Ông La Quốc Thanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác xoài La Ngà (xã La Ngà, H.Định Quán) cho biết, nông dân trồng xoài rất khó khăn. Xoài của Tổ hợp tác đã có chứng nhận VietGAP, làm mã số vùng trồng nhưng chưa có chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững nên xoài sạch vẫn bán giá như hàng thường.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn vì khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ; nhất là trong tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất làm trụ sở, đào tạo nguồn nhân lực…

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) Cao Thị Ten chia sẻ, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, giá thành sản xuất bị đội lên trong khi giá đầu ra không dễ tăng. Sản phẩm trứng và thịt gà thảo mộc của HTX làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng lại thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất.

Với góc nhìn khác, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết chỉ ra, hiện nông dân đi vay không bao giờ tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi. Nông dân muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thì phải vào chuỗi liên kết, đưa khoa học công nghệ vào để giảm giá thành sản xuất…

Theo ông Lê Văn Quyết, Đồng Nai có nhiều dự án quy hoạch “treo” kéo dài, đề nghị tỉnh rà soát lại, dự án nào khả thi thì sớm triển khai, dự án nào không hiệu quả cần gỡ khỏi quy hoạch để nông dân lấy đất sản xuất. Một số nông dân muốn làm ăn lớn nhưng quỹ đất rất khó khăn, nhất là ở Đồng Nai giá đất rất cao, khó hình thành cánh đồng mẫu lớn. Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí quỹ đất, cho các HTX được tham gia đấu thầu để có quỹ đất tổ chức sản xuất trong cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

* Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ

Trả lời về vấn đề được các HTX, nông dân đặc biệt quan tâm là kết nối đầu ra cho nông sản, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Tăng Kim Lệ thông tin, năm 2023, chương trình xúc tiến thương mại đã hoàn thiện dự thảo, đang trình UBND tỉnh ban hành. Nội dung tập trung hỗ trợ tổ chức, cá nhân kết nối thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, các lớp đào tạo, tập huấn, hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, hoạt động xúc tiến thương mại Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…; trong đó, tập trung tại các thị trường tiêu thụ trọng điểm trong, ngoài tỉnh cũng như thị trường xuất khẩu.

Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: B.Nguyên
Đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: B.Nguyên

HTX khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn là bài toán khó hiện nay. Ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chỉ ra, tất cả các HTX nông nghiệp không vay được vốn từ các ngân hàng do các HTX không có tài sản thế chấp.

“Chúng tôi đang gỡ bằng cách thông qua HTX để cho vay các thành viên có tài sản thế chấp. Hiện nhiều HTX vẫn không làm được báo cáo tài chính, đề nghị các HTX phải tổ chức hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX và các quy định liên quan để đảm bảo đúng hồ sơ khi đề xuất hỗ trợ về mặt chính sách” - ông Dũng nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận xét, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch đất thời gian qua còn bất cập nên xảy ra tình trạng sản xuất chưa sát với nhu cầu thị trường. Công nghệ bảo quản, chế biến sâu còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến đầu ra nông sản chưa bền vững. Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều là những khó khăn tồn tại lâu nay. Lời giải là phải liên kết để có vùng sản xuất lớn, quy trình sản xuất giống nhau, sản phẩm đồng nhất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Liên kết để đầu vào của sản xuất có chi phí thấp nhất, đầu ra có giá trị cao nhất. Để làm được điều đó, mỗi một HTX, mỗi một nông dân, doanh nghiệp đều phải cùng nỗ lực; chính quyền địa phương, các sở, ngành phải kết nối với nhau để triển khai thực hiện hiệu quả.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI chỉ đạo Sở NN-PTNT tập trung phối hợp với các sở, ngành tham mưu, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đến phát triển chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều