Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hỗ trợ cho quy hoạch đô thị sân bay Long Thành

08:03, 17/03/2023

Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Long Thành bao gồm cả khu vực cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là khu chức năng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, mức độ ảnh hưởng liên kết vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Long Thành bao gồm cả khu vực cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là khu chức năng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, mức độ ảnh hưởng liên kết vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Đô thị Long Thành được định hướng quy hoạch trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Ảnh: P.Tùng
Đô thị Long Thành được định hướng quy hoạch trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Ảnh: P.Tùng

Với vai trò quan trọng đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm hỗ trợ thành lập tổ chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm thực tiễn về quy hoạch đô thị giúp Đồng Nai trong tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch và tổ chức lập đồ án quy hoạch chung đô thị Long Thành.

* Đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế

Đầu tháng 3-2023, nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 đô thị Long Thành đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo tờ trình của UBND tỉnh, khu vực lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính H.Long Thành với tổng diện tích tự nhiên hơn 430km2 gồm: 14 đơn vị hành chính (1 thị trấn và 13 xã). Về tính chất, chức năng đô thị của quy hoạch, UBND tỉnh cho biết: đến năm 2030, đô thị Long Thành là đô thị loại III, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh…

Cũng theo tờ trình của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ký, đô thị Long Thành sẽ có 3 động lực phát triển chính. Trong đó, việc hình thành sân bay Long Thành và hệ thống các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Bảo Lộc và cụm cảng biển nhóm IV tạo điều kiện cho Long Thành trở thành một trung tâm kho vận, tiếp vận, trung chuyển hàng hóa lớn ở phía Đông vùng TP.HCM, là động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển đô thị Long Thành.

Cùng với đó, với vai trò và vị trí chiến lược là giao điểm của 2 hành lang kinh tế động lực của quốc gia và vùng, là cửa ngõ của TP.HCM, đô thị Long Thành sẽ là đầu tàu phát triển kinh tế của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hình thành các chức năng quan trọng giảm tải cho TP.HCM, liên kết, hợp tác với các đô thị lớn trong vùng TP.HCM, chia sẻ và hỗ trợ phát triển với hệ thống đô thị, công nghiệp vùng Đông Nam bộ.

Đô thị Long Thành cũng phát triển các khu nghiên cứu khoa học công nghệ, khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ, trung tâm đào tạo, logistics cấp vùng. Định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Long Thành sẽ hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế và là một cực phát triển quan trọng của vùng TP.HCM.

* Thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ lập quy hoạch

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, giữa tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc kiến nghị Bộ Xây dựng thành lập tổ công tác hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong công tác tổ chức lập quy hoạch và thi tuyển ý tưởng các đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, đô thị Long Thành thuộc vùng đô thị động lực Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch. Đô thị Long Thành là đô thị đặc thù gắn liền với dự án Sân bay Long Thành - là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành đô thị quan trọng về quốc phòng, an ninh. Khu vực sân bay Long Thành kết hợp với vùng phụ cận tạo thành một cực phát triển quan trọng không chỉ của vùng TP.HCM và tỉnh Đồng Nai mà còn trực tiếp thúc đẩy và lan tỏa sự phát triển ra các khu vực rộng lớn hơn như: Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Để xác định vai trò và vị thế to lớn của dự án trong khu vực, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của sân bay quốc tế có tầm ảnh hưởng khu vực châu Á, khu vực này cần thiết phải có một nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng, định hướng toàn bộ thống nhất và đồng bộ các cấp độ quy hoạch. Từ đó, sớm hình thành các khu chức năng, đề xuất các cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…, đặc biệt là nguồn lực từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận sân bay Long Thành mang lại để tạo bước đột phá và làm cơ sở cho việc hình thành thành phố sân bay.

Theo ông Hồ Văn Hà, đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Long Thành bao gồm cả khu vực sân bay Long Thành là khu chức năng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, mức độ ảnh hưởng liên vùng Đông Nam bộ và cả nước. Do đó, cần xây dựng tầm nhìn, kế hoạch phát triển chiến lược, tìm kiếm ý tưởng tốt nhất, khai thác tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế so sánh của sân bay Long Thành và đô thị Long Thành. “Với tầm quan trọng đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ thành lập tổ chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm thực tiễn về quy hoạch đô thị để hỗ trợ tỉnh” - ông Hồ Văn Hà cho biết.

Theo tờ trình nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị Long Thành, dự báo dân số đến năm 2030 vào khoảng 370-380 ngàn người, trong đó dân số đô thị khoảng 210-240 ngàn người. Đến năm 2045, quy mô dân số đạt từ 480-500 ngàn người, trong đó dân số đô thị khoảng 310-360 ngàn người.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều