Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất động sản tìm đường ra

08:03, 11/03/2023

Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai cũng như cả nước rơi vào khó khăn khi tín dụng bị siết chặt, sức mua lao dốc, vướng mắc về pháp lý không được tháo gỡ kịp thời. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) BĐS phải thu nhỏ quy mô và chờ cơ hội để tìm đường ra.

Từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai cũng như cả nước rơi vào khó khăn khi tín dụng bị siết chặt, sức mua lao dốc, vướng mắc về pháp lý không được tháo gỡ kịp thời. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) BĐS phải thu nhỏ quy mô và chờ cơ hội để tìm đường ra.

Dự án Aqua City ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) được coi là đô thị xanh nhưng hiện vắng người mua. Ảnh: K.Minh
Dự án Aqua City ở xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) được coi là đô thị xanh nhưng hiện vắng người mua. Ảnh: K.Minh

Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, năm 2022, có gần 1,2 ngàn công ty BĐS giải thể. Tiếp đến, nhiều DN lớn trên lĩnh vực này cũng phải sắp xếp lại bộ máy và giảm lao động để tiếp tục duy trì hoạt động. Nhiều dự án BĐS đang triển khai cũng tạm dừng do vướng thủ tục pháp lý, thiếu vốn.

* Khó khăn bủa vây

Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, các DN BĐS cùng lúc phải chống đỡ với hàng loạt khó khăn như: thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản, không tiếp cận vốn tín dụng, sản phẩm khó bán. Do đó, các DN BĐS buộc phải tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh. Trong đó, nhiều DN phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án. Tuy nhiên, thị trường BĐS đang trong giai đoạn đóng băng nên rất khó tìm được người mua. Đa số các DN BĐS phải cắt giảm từ 50-70% số lao động và giảm lương từ 30-50%.

Lĩnh vực BĐS là ngành quan trọng trong nền kinh tế nên khi bị đình trệ kéo theo nhiều ngành nghề khác như: xây dựng, thương mại dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng và thu ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhiều lao động bị mất việc làm. Hiện nay, BĐS có 2 khó khăn lớn nhất là vướng về pháp lý và thiếu dòng tiền đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận xét: “Chưa khi nào cùng lúc các DN BĐS lại gặp nhiều khó khăn như vậy. Có đến 70% DN BĐS bị vướng về thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án đang triển khai. Tiếp đến là gặp khó về vốn vay từ các ngân hàng, vốn trái phiếu DN, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng. Nếu Chính phủ không có những giải pháp kịp thời, nhiều DN BĐS sẽ phải giải thể”.

Đồng Nai quy hoạch triển khai gần 270 dự án khu dân cư, khu đô thị và phần lớn các dự án đều đã có chủ đầu tư. Một số khu đô thị được đầu tư theo hướng xanh có không gian khá đẹp như: Aqua City (TP.Biên Hòa), Swanbay (H.Nhơn Trạch), Gem Sky World (H.Long Thành)... khoảng 1 năm trước luôn nhộn nhịp khánh tìm hiểu, hỏi mua thì nay rất vắng vẻ, người bán nhiều hơn người mua.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (TP.Biên Hòa) Trần Như Hoàng chia sẻ: “Công ty đang triển khai một dự án khu dân cư tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) nhưng vướng thủ tục pháp lý nên đã chậm tiến độ so với dự tính. Cụ thể, trong dự án có xen lẫn diện tích đất công rất nhỏ là một số đường mòn, suối và hiện chưa có phương án xử lý”.

Cũng theo ông Hoàng, khi bắt đầu thực hiện dự án, DN phải vay vốn ngân hàng để đầu tư nên dự án kéo dài vốn sẽ bị đội lên rất cao. Như vậy, khi hoàn thành sản phẩm đưa ra thị trường giá bán cũng rất cao.

* Tìm cách gỡ khó

Theo các hiệp hội BĐS, Chính phủ cần có những hỗ trợ kịp thời cho DN để họ thoát khỏi khó khăn hiện nay và từng bước phục hồi. Trong đó, quan trọng nhất là tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án để DN có thể tiếp tục triển khai.

Dự án Swanbay (H.Nhơn Trạch) trước đây nhộn nhịp người mua nhưng giờ khá vắng lặng
Dự án Swanbay (H.Nhơn Trạch) trước đây nhộn nhịp người mua nhưng giờ khá vắng lặng

Giám đốc đầu tư Tập đoàn Hưng Thịnh (TP.HCM) Hồ Hoàng Đức Huy chia sẻ: “Hưng Thịnh đang đầu tư một số dự án BĐS tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác. Trong bối cảnh như hiện nay, Tập đoàn chỉ mong Chính phủ hỗ trợ giải quyết nhanh vướng mắc về pháp lý là sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến đất đai, xây dựng đang gây nghẽn cho dự án. Đồng thời, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn về tài chính để DN có vốn đầu tư dự án và người dân có tiền mua nhà”.

Hiện nay, các dự án BĐS đang gặp những vướng mắc pháp lý do sự chồng chéo, lệch pha giữa các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… Vì vậy, trước khi chờ đợi các luật trên sửa đổi, bổ sung, DN mong Chính phủ có nghị định tháo gỡ trước những khó khăn.

Về phía UBND các tỉnh, thành, DN mong khẩn trương ban hành quyết định quy định chi tiết thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP để xử lý diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại để chủ đầu tư có căn cứ pháp lý tiếp tục thực hiện dự án và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, DN BĐS trông đợi Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép nới tiêu chí nhưng không phải là hạ chuẩn tín dụng để DN BĐS được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời, khoanh nợ xấu đối với một số khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án BĐS có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

 Khánh Minh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích