Năm 2023, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh đặt mục tiêu có thêm ít nhất 37 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Không chỉ đặt chỉ tiêu về số lượng, mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp là hỗ trợ mở rộng thị trường, độ nhận diện nhãn hiệu cho sản phẩm.
Năm 2023, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh đặt mục tiêu có thêm ít nhất 37 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Không chỉ đặt chỉ tiêu về số lượng, mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp là hỗ trợ mở rộng thị trường, độ nhận diện nhãn hiệu cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thùy, đại diện Cơ sở Chế biến rau củ Cường Hoa, H.Thống Nhất, giới thiệu sản phẩm OCOP của cơ sở tại một chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các chủ thể OCOP trong đổi mới hình thức, chất lượng, quy mô để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP.
* Xây dựng chuỗi liên kết
Sau gần 4 năm triển khai chương trình OCOP vào thực tế, Đồng Nai đã có 150 sản phẩm OCOP là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Chương trình đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 197 chuỗi liên kết với sự tham gia của 101 doanh nghiệp, 64 HTX. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) cho biết, đơn vị tiên phong làm dự án cánh đồng lớn trồng lúa, bắp; liên kết các xã viên góp vốn đầu tư máy móc hiện đại thay cho sức lao động của con người. Hiện các xã viên đều chuyển đổi từ giống lúa thường sang các giống lúa đặc sản, xây dựng được vùng sản xuất gạo đặc sản theo chuẩn hữu cơ. HTX cũng huy động nguồn vốn để đầu tư hệ thống sấy lúa, máy xay xát, chế biến gạo để làm ra sản phẩm gạo hữu cơ cung cấp cho thị trường.
“Sản phẩm gạo của HTX đạt chứng nhận OCOP, được tỉnh tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm gạo sạch của HTX hiện cung cấp đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu tập trung cho thị trường lớn là TP.HCM” - ông Quang nói.
Chương trình kết nối, đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị lớn có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ mở rộng kênh phân phối mà qua đó còn giúp khẳng định về uy tín chất lượng sản phẩm. Bà Bùi Thu Bình, chủ Cơ sở Chế biến giò chả Thu Bình (H.Long Thành) chia sẻ, nhờ chương trình hợp tác giữa Sở NN-PTNT và Công ty TNHH MM Mega Market, sản phẩm của cơ sở hiện đang được bày bán tại 21 trung tâm MM Mega Market trong cả nước. Đây là động lực rất lớn để cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, không ngừng cải thiện để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường.
* Mở rộng kênh xuất khẩu
Thấy được hiệu quả của chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư chế biến, xuất khẩu nông sản cũng tích cực tham gia làm OCOP cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu cho nông sản để mở rộng hơn kênh xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại tại TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Chị Nguyễn Thị Thùy, đại diện Cơ sở Chế biến rau củ quả Cường Hoa tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) cho hay, xuất phát điểm là hộ sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở dần mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2020, sản phẩm chuối sấy dẻo của cơ sở được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm được thị trường nhận diện tốt hơn. Cơ sở đang tập trung mở rộng nhà xưởng, đầu tư nhiều máy móc công nghiệp hiện đại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện tốt hơn điều kiện lao động cho công nhân, tăng năng suất. Cơ sở rất chăm chút đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu để sản phẩm xuất khẩu vào nhiều thị trường.
Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) là đơn vị đầu tiên của tỉnh có sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao. Nhiều năm qua, DN này đã đầu tư hàng triệu USD để mở rộng nhà máy chế biến, tập trung cho dòng sản phẩm chế biến sâu như: chocolate, rượu ca cao, bột ca cao... xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, công ty hợp tác với DN Nhật Bản cùng phát triển thương hiệu chocolate Việt chứ không làm gia công thuần túy. Những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật đều được ghi rõ sản phẩm “made in Vietnam”. Hướng phát triển của Trọng Đức là đưa sản phẩm vào thị trường cao cấp, cạnh tranh được bằng chất lượng, hương vị, khẳng định thương hiệu cho ca cao đất Đồng Nai nói riêng, ca cao Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, Đồng Nai có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định. |
Bình Nguyên