Từ năm 2017, ngành điện xây dựng kế hoạch đầu tư 12 dự án truyền tải điện cao áp trên địa bàn Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 dự án hoàn thành, còn lại đang thi công và chưa khởi công.
Từ năm 2017, ngành điện xây dựng kế hoạch đầu tư 12 dự án truyền tải điện cao áp trên địa bàn Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 dự án hoàn thành, còn lại đang thi công và chưa khởi công.
Dự án Trạm biến áp 220kV Tam Phước (TP.Biên Hòa) có kế hoạch đóng điện năm 2022 nhưng hiện chưa hoàn thành. Ảnh: H.LỘC |
Việc đảm bảo tiến độ các dự án điện không chỉ phát huy hiệu quả vốn đầu tư mà còn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế thiếu điện cục bộ.
* Mới hoàn thành 2 dự án
Đến nay, mới có 2 dự án điện cao thế (220-500kV) trên địa bàn tỉnh hoàn thành đóng điện. Còn lại 5 dự án đang triển khai đều chậm tiến độ do vướng mặt bằng và 5 dự án sắp triển khai đang vướng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Trương Hữu Thành cho biết: “Đây là những dự án điện trọng điểm quốc gia phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch đô thị, các dự án chậm tiến độ so với dự kiến”.
12 dự án điện cao thế trên địa bàn tỉnh có tổng vốn đầu tư 15 ngàn tỷ đồng. Đến nay, có 2 dự án hoàn thành, 5 dự án đang triển khai và 5 dự án sắp triển khai. |
Dự án Đường dây 220kV Sông Mây - Tam Phước có tổng mức đầu tư gần 182 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án đóng điện từ tháng 11-2022, nhưng đến nay còn 15 vị trí móng trụ chưa được bàn giao.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên, sở dĩ vị trí móng trụ số 7 dự án Đường dây 220kV Sông Mây - Tam Phước chưa bàn giao vì đã quá 3 năm chưa thực hiện. Để giải phóng mặt bằng vị trí này phải chuyển tiếp kế hoạch sử dụng đất sang năm 2023, phê duyệt phương án bồi thường…
Theo UBND H.Long Thành, không riêng các dự án điện cao thế mà thời gian qua, một số dự án điện 110kV trên địa bàn cũng chậm tiến độ. Nguyên nhân là dự án phải chia làm nhiều đợt, nhiều mức giá và người dân cho rằng mức giá đền bù, hỗ trợ thấp; để phê duyệt phương án bồi thường địa phương phải kiểm tra, xác minh nhiều lần nhưng sau đó chủ đầu tư chậm chuyển tiền bồi thường, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng.
Trên cơ sở các vướng mắc và ý kiến của địa phương, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiến nghị UBND tỉnh đưa các dự án điện cao thế vào danh mục dự án trọng điểm của tỉnh, chỉ đạo, theo dõi các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án.
* Thi công nhanh các dự án điện trọng điểm
Đồng Nai hiện là một trong những tỉnh, thành có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn nhất cả nước. Tới đây, sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển Phước An và hàng loạt các dự án khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập mới và mở rộng, nhu cầu điện sẽ tăng thêm. Nếu không có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án điện có thể thiếu điện cho sản xuất công nghiệp.
Nhân viên của Điện lực Đồng Nai kiểm tra vận hành Trạm biến áp 110kV Định Quán 2. Ảnh: H.LỘC |
Mới đây, tại buổi làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư rà soát, chuyển tiếp dự án sang kế hoạch sử dụng đất năm 2023; đăng ký danh mục sử dụng đất dự án mới trong trường hợp phải trình HĐND tỉnh. Ngành điện phải sát sao với địa phương trong giải quyết các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành các dự án đang triển khai trong năm nay để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho tỉnh. Song song với đó, chuẩn bị các điều kiện để khởi công các dự án theo quy hoạch với tinh thần “năng lượng phải đi trước một bước”.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong, để thuận lợi hơn cho các dự án sắp triển khai, trước khi cắm mốc thiết kế, chủ đầu tư cần xác định hướng tuyến đường dây đấu nối, vị trí móng trụ, nhu cầu sử dụng đất để tránh chồng lấn vào quy hoạch các công trình khác. Đây cũng là cơ sở để tỉnh xem xét thông qua phương án đầu tư, các huyện có dự án đi qua bố trí quỹ đất, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năng lượng cấp huyện.
Hạ tầng điện có vai trò quan trọng trong kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển các hạ tầng kỹ thuật khác. Việc đảm bảo tiến độ các dự án theo quy hoạch không chỉ giúp nhà đầu tư giảm phát sinh chi phí, nâng cao hiệu quả dự án mà còn góp phần đảm bảo nguồn cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện quốc gia.
Hoàng Lộc