(ĐN) - Ngày 17-2, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Tập đoàn Novaland đã đề xuất chọn khu đô thị (KĐT) Aqua City (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) để Tổ Công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ pháp lý cho dự án bất động sản.
(ĐN) - Ngày 17-2, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Tập đoàn Novaland đã đề xuất chọn khu đô thị (KĐT) Aqua City (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) để Tổ Công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ pháp lý cho dự án bất động sản.
Khu đô thị Aqua City ở xã Long Hưng (TP.Biên Hoà) |
KĐT Aqua City thuộc địa bàn xã Long Hưng, có diện tích hơn 1 ngàn ha và được tập đoàn Novaland xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái thông minh. Đây là một trong 5 dự án bất động sản lớn nhất của Đồng Nai. Tập đoàn Novaland dự tính sẽ dành 70% diện tích đất cho mảng xanh, hạ tầng giao thông và tiện ích nội khu cho dự án Aqua City.
Vướng pháp lý
Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland, nhiều dự án bất động sản đang bị vướng pháp lý do các luật chồng chéo. Ông Nhơn kiến nghị chọn KĐT vệ tinh Aqua City làm dự án thí điểm để Tổ Công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ các pháp lý của dự án trong thời gian 1 tháng. Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ các khó khăn khác của tập đoàn, giúp hoàn thiện dự án và thực hiện các nghĩa vụ với khách hàng, với các nhà thầu, các chủ nợ.
Tập đoàn kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm để chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho phép tái cơ cấu nợ vay của các khách hàng mua bất động sản mà nguồn trả lãi được hỗ trợ từ chủ đầu tư, các tổ chức tín dụng xem xét việc giảm lãi suất cho vay với các khách hàng cá nhân.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) bất động sản đang gặp 2 khó khăn lớn nhất, trong đó vướng mắc pháp lý, chiếm 70% khó khăn của DN bất động sản. Khó khăn thứ hai là về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu DN, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng. Do đó, các dự án của DN bất động sản đầu tư vào các tỉnh thành đều bị ách lại.
Người mua gặp khó khăn
Bà Thanh Ngọc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, năm 2019, gia đình bà mua 3 sản phẩm tại 2 dự án khác nhau của khu đô Aqua City (xã Long Hưng, TP.Biên Hòa). Thời điểm mua có sản phẩm hơn 10 tỷ đồng/căn, được ngân hàng hỗ trợ lên đến 40% giá bán. Sau nửa năm, có khách trả chênh lệch gần nửa tỷ đồng nhưng bà không bán. Sau đó do dịch bệnh, ngân hàng siết tín dụn nên hiện tại, gia đình bà đang khốn đốn vì nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Năm 2022, bà Ngọc đã liên hệ qua dịch vụ và tự rao bán 1 sản phẩm bằng giá vốn lúc mua nhưng chưa bán được.
Theo các nhà đầu tư, từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều sản phẩm ở khu Aqua City chiết khấu đến 30-40%, đi kèm với đó là cam kết thuê/mua lại sản phẩm nhưng do không còn tiền để mua vào, thị trường cũng không có nhu cầu để “lướt sóng” nữa.
Anh Nguyễn Thái Hoàng, P. Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi mua đầu tư một căn biệt thự trong KĐT Aqua City từ cuối năm 2019 với giá 12 tỷ đồng, dự tính sau 2-3 năm giá tăng lên sẽ bán ra. Nhưng gần nửa năm nay, tôi cần tiền chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn không tìm được người mua. Căn biệt thự trên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp để vay vốn”.
Khó khăn trên không chỉ riêng KĐT Aqua City mà nhiều khu đô thị khác của Đồng Nai và các tỉnh, thành khác trên cả nước cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Chủ đầu tư các dự án mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp gỡ khó về pháp lý, dòng vốn để hồi phục thị trường bất động sản. Theo một số chuyên gia, với hàng loạt khó khăn như hiện nay, dự kiến năm 2023, số lượng DN bất động sản rời khỏi thị trường có thể nhiều hơn năm 2022 (năm 2022, có 1,2 ngàn DN bất động sản tại Việt Nam phải dừng hoạt động).
K.Minh- Hoàng Lộc