Trong khi giới kinh doanh bất động sản đang ở tình trạng đóng băng, gặp thách thức lớn chưa từng có về nguồn vốn thì ở một kênh đầu tư khác, mọi việc cũng đang dần "nóng" lên khi có nhiều doanh nghiệp (DN) đến hạn thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư nhưng lại không kiếm đâu ra đủ tiền để trả.
Trong khi giới kinh doanh bất động sản đang ở tình trạng đóng băng, gặp thách thức lớn chưa từng có về nguồn vốn thì ở một kênh đầu tư khác, mọi việc cũng đang dần “nóng” lên khi có nhiều doanh nghiệp (DN) đến hạn thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư nhưng lại không kiếm đâu ra đủ tiền để trả.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309 ngàn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tương đương 15 tỷ USD. Tính riêng trong tháng 1-2023, có gần 17,5 ngàn tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 ngàn tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 ngàn tỷ đồng.
Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, một điểm chung là thời điểm giữa năm sẽ là thời điểm căng thẳng của nhiều DN phát hành trái phiếu vì nhiều lô trái phiếu đến hạn thanh toán dồn dập ở nhiều ngành, từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ đến bất động sản… Song ngay trong quý I, nhiều DN đã phải “khất nợ” trái chủ do thiếu nguồn tiền.
Về nguyên nhân chậm thanh toán, DN lý giải, do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh kéo dài, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đó là lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt, lạm phát, bất động sản đóng băng… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.
Trái phiếu DN là một cách để một DN huy động thêm nguồn vốn. Việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng vốn vay và người mua trái phiếu trở thành chủ nợ của DN, được trả lãi suất theo cam kết và được thanh toán lại tiền gốc theo thời hạn cam kết của DN khi phát hành trái phiếu. Trái phiếu DN được phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu DN đương nhiên có rủi ro khi DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Thị trường trái phiếu thời gian qua được điều chỉnh bởi Nghị định 65/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Nghị định này đang rất được trông chờ sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm khơi thông nguồn lực cho DN, giúp gỡ khó tạm thời về dòng tiền, ít nhất là trong 2 năm được đánh giá “cực kỳ khó khăn” 2023 và 2024.
Tuy vậy, đến lúc này, Nghị định 65 vẫn chưa được điều chỉnh, trong khi thời hạn thanh toán trái phiếu đang đến gần và sẽ lên đến đỉnh điểm căng thẳng vào quý II, quý III sắp tới với tổng số tiền thanh toán đến hạn ước tính của thị trường lần lượt là 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng.
Vi Lâm