Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú hấp dẫn nhà đầu tư

07:02, 01/02/2023

Kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) là khá tích cực khi nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) là khá tích cực khi nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối trực tiếp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng
Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối trực tiếp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là phân đoạn đầu của tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Đây cũng là phân đoạn nằm toàn bộ trên địa bàn Đồng Nai.

* Nhà đầu tư trong và ngoài nước đều quan tâm

Tháng 9-2022, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức PPP.

Theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ GT-VT giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú phải tiến hành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án.

Thực hiện quy định trên, cuối tháng 11-2022, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có thông báo gửi các nhà đầu tư để thực hiện cuộc khảo sát. Trong các nội dung khảo sát, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị các nhà đầu tư, bên cho vay có ý kiến về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 theo chủ trương đầu tư được Chính phủ phê duyệt; đánh giá của nhà đầu tư, bên cho vay về tính hấp dẫn, khả thi của dự án, mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư.

Cùng với đó, các nhà đầu tư, bên cho vay sẽ có ý kiến đánh giá về tiến độ triển khai thực hiện dự án; những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; nguồn cung cấp vật liệu để triển khai công trình…

Giữa tháng 1-2023, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản báo cáo Bộ GT-VT kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1. Theo đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã nhận hồ sơ quan tâm của 3 nhà đầu tư trong và ngoài nước gồm: China Harbour Engineering Company Limited (Trung Quốc); Công ty CP Đầu tư Đại Quang Minh - Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành; Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp DIC.

* Đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ, dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn1 dự kiến có thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2021-2025.

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Dầu Giây - Liên Khương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung. Đồng thời, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ. Tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Dựa vào kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã kiến nghị Bộ GT-VT xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, việc đề xuất lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế cho dự án dựa trên quy định tại Điều 34 Nghị định số 35 về việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án PPP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế trong trường hợp có dưới 6 nhà đầu tư quan tâm, trong đó có ít nhất 1 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về hình thức lựa chọn nhà đầu tư sẽ thuộc về Bộ GT-VT. Sau đó, điều khoản này sẽ được đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 sẽ được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài hơn 60km theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Về tổng mức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án hơn 8,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp hơn 7 ngàn tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 1,3 ngàn tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn sơ bộ khoảng 21 năm (20 năm 3 tháng).

Phạm Tùng

Tin xem nhiều