Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, phí, xúc tiến thương mại... để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh đã và đang gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, phí, xúc tiến thương mại... để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm từ các chính sách miễn giảm thuế, phí, vay vốn và thị trường Trong ảnh: Sản xuất, chế biến hàng nông sản tại Nhà máy thực phẩm Vinacoco (Khu công nghiệp Hố Nai). Ảnh: V.Gia |
Bên cạnh các giải pháp tài khóa chung, Đồng Nai cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
* Kỳ vọng vào các chương trình hỗ trợ tài khóa 2023
Năm 2022, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho DN và người dân. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tính đến tháng 1-2023, các bộ ngành, cơ quan, địa phương đã giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ước đạt 80,8 ngàn tỷ đồng.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã nêu rõ thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023, do vậy DN mong muốn được tiếp tục thực hiện trong năm nay. Điều này sẽ khuyến khích, hỗ trợ để kích cầu trong nước, nhất là giai đoạn hiện nay nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất ổn định và có cơ hội phát triển.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, các DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp của năm 2022. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến chuyên gia, DN về các đề xuất chính sách thuế liên quan đến VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Các chính sách này khi được thực hiện sẽ có tác động lớn đến sự phục hồi kinh tế. Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng thì dự báo nền kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ quý 2 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3 khi các hiệu ứng trong chính sách tài chính tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ phát huy hiệu quả.
* Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường
Đối với các DN, những chính sách tháo gỡ khó khăn của Nhà nước được thực hiện càng nhanh càng tốt. Vì như vậy DN sẽ có thêm nguồn lực tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn và chờ phục hồi. Không chỉ chính sách tài khóa mà DN cũng mong muốn được hỗ trợ về xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Mục tiêu là có thêm đơn hàng từ nhiều thị trường để bù lại đơn hàng từ những thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đang giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Eco (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Eco làm trong lĩnh vực cung ứng nguyên, vật liệu sản phẩm hỗ trợ cho các ngành sản xuất chăn, drap, gối nệm, đồ gỗ... nên lượng hàng xuất, nhập hàng tháng rất nhiều. Tuy nhiên, một lượng lớn khách hàng đến từ ngành gỗ đang gặp khó khăn, DN mong muốn Nhà nước hỗ trợ về thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm để giúp hồi phục chuỗi cung ứng”.
Theo các DN, các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm và kết nối giao thương nên được thực hiện thường xuyên hơn. Điều này đặc biệt có lợi với DN nhỏ và vừa khi có thêm kênh giới thiệu về sản phẩm và DN, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, sử dụng các sản phẩm chất lượng sản xuất trong nước. Việc này sẽ giúp DN mở rộng tiêu thụ ở thị trường trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu. Như vậy, hàng hóa xuất vào những nước Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng, thị trường thu hẹp sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Do vậy, Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ DN, trong đó tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường tiêu dùng trực tuyến để tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống”.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ giá cả hàng hóa, nhất là xăng dầu và những dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác để bình ổn thị trường.
733 tỷ đồng cho DN vay trong thời điểm cấp bách Theo Sở KH-ĐT, trong năm 2022, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động cho 42 DN vay với số tiền trên 733 tỷ đồng. Theo đó, số vốn vay này để trả lương 88,7 ngàn lao động. Lũy kế từ khi thực hiện, đã giải ngân cho 60 DN vay số tiền 1.092 tỷ đồng (chiếm 23% toàn quốc) để trả lương cho 91,3 ngàn lao động. |
Văn Gia