Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử đang ngày càng chiếm ưu thế, nhưng cũng kéo theo tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội.
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng chiếm ưu thế, nhưng cũng kéo theo tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội.
Người tiêu dùng tìm mua các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: H.Quân |
Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện và xử lý. Do đó, việc quản lý hoạt động TMĐT cần được các cơ quan chức năng có phương án triển khai phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát dòng chảy thị trường.
* Tiện dụng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Việc mua sắm trực tuyến (online) không chỉ là xu hướng mà ngày càng trở thành thói quen của người tiêu dùng. Điều này mang đến sự tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán, do đó nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã lựa chọn kinh doanh qua mạng để đáp ứng xu thế, nâng cao hiệu quả bán hàng, tăng trải nghiệm mua sắm. Dù vậy, bên cạnh những lợi ích thiết thực, mua sắm online cũng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro, nhất là khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Theo Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Trong đó, đã xử phạt 1 vụ với số tiền 15 triệu đồng. |
Mua hàng qua sàn TMĐT, xem live stream bán hàng trên mạng xã hội đã trở thành thói quen của nhiều người vì tiện lợi, lại nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh sự phong phú, đa dạng mẫu mã, dễ dàng "chốt đơn" thì mua hàng online đôi khi cũng dễ khiến người mua bực dọc vì bị giao sai hàng, thiếu hàng, hàng không giống mô tả, quảng cáo...
Chị Ngân Trà (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết: "Vào đợt sale hàng Tết vừa rồi, tôi có đặt thử mắt kính hiệu R.B của một shop có tiếng với giá 1 triệu đồng nhưng khi nhận hàng thì chiếc kính bị trầy và hơi cũ. Phản ánh với người bán thì họ nói do hàng khuyến mãi nên có lỗi nhẹ, thế là người mua đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Thật sự cũng khó cho người tiêu dùng khi mua hàng online vì không có quy định, đơn vị nào giám định cụ thể chất lượng của hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng trong những trường hợp như vậy".
Anh Đỗ Thành (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây anh thường tìm mua các mặt hàng tiêu dùng, điện tử, quần áo... trên mạng vì thấy giá rẻ hơn ngoài cửa hàng, đồng thời thường xuyên có khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, một số sàn TMĐT hiện nay không cho đồng kiểm (không được kiểm tra hàng khi nhận, phải quay video khi mở hàng để được hỗ trợ giải quyết), điều này khiến khách hàng có tuổi khó tiếp nhận. Đa số người tiêu dùng đều có thói quen "tiền trao cháo múc" để ngay khi mở hàng phát sinh các khiếu nại, sự cố cụ thể như: giao thiếu hàng, giao sai hàng, lợi dụng thông tin để tráo hàng trục lợi...
* Tăng cường phối hợp để quản lý
Một số thủ đoạn thường thấy của các đối tượng vi phạm là lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream hoặc đăng bán. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng)…
Qua kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264) thực hiện năm 2022, trong tổng số hơn 3,9 ngàn ý kiến được khảo sát, có gần 26% ý kiến đã từng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua các website TMĐT. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn cho biết mua phải hàng giả, kém chất lượng thông qua Facebook, Zalo, tiếp thị…
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai Võ Thái chia sẻ: “Hoạt động TMĐT ngày càng phát triển, các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua bán hàng trên mạng của người tiêu dùng gia tăng để mua bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gây khó khăn cho việc xác minh, truy tìm, xử lý của lực lượng chức năng”.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa trong TMĐT…, mới đây Cục QLTT Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác về TMĐT. Tổ công tác này sẽ tham mưu công tác QLTT trong TMĐT trên phạm vi toàn tỉnh gồm: nắm bắt tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Cục QLTT Đồng Nai trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh trên không gian mạng thuộc thẩm quyền của lực lượng QLTT.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Trưởng ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh nhấn mạnh, trong năm 2023, các thành viên của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và các địa phương cần tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm hàng lậu, hàng giả, hàng nhái từ nơi sản xuất, phân phối. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về nhận biết, xử lý hàng giả, hàng nhái...
Hải Quân