Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Nhiều công trình thủy lợi bị lấn chiếm

07:02, 15/02/2023

Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi lớn, nhất là các hồ chứa nước trên địa bàn Đồng Nai bị lấn chiếm do chưa được cắm mốc lộ giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hồ, sông là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất của tỉnh, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp, chất lượng nguồn nước.

Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi lớn, nhất là các hồ chứa nước trên địa bàn Đồng Nai bị lấn chiếm do chưa được cắm mốc lộ giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hồ, sông là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất của tỉnh, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp, chất lượng nguồn nước.

Tình trạng xây dựng nhà trên hành lang an toàn hồ đập thủy lợi tại hồ Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang
Tình trạng xây dựng nhà trên hành lang an toàn hồ đập thủy lợi tại hồ Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: H.Giang

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị người dân lấn chiếm để lấy đất trồng hoa màu, xây dựng nhà ở, làm chuồng trại chăn nuôi, vừa gây ảnh hưởng đến công tác quản lý an toàn hồ, đập, vừa gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái. Tăng cường công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm đất đai liên quan đến các công trình thủy lợi là vấn đề đặt ra hiện nay.

* Nhiều công trình bị lấn chiếm

Đồng Nai hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 7 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, còn lại là kênh tưới tiêu. Trong đó, 24 công trình lớn được giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý với tổng diện tích trên 25,6 ngàn m2. Tuy nhiên đến nay, mới có 8 công trình được cấp sổ đỏ, 11 công trình có quyết định giao đất và 5 công trình khi nhận bàn giao về công ty không có hồ sơ về đất.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tình hình vi phạm lấn chiếm đất các công trình thủy lợi khá phổ biến. Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, đến cuối năm 2022, vẫn còn tồn tại 117 vụ vi phạm về công trình thủy lợi đã và đang xử lý. Trong đó, H.Trảng Bom có hồ Sông Mây với 20 vụ vi phạm và hồ Bà Long có 14 vụ vi phạm; H.Nhơn Trạch có 45 vụ vi phạm; H.Long Thành có hồ Cầu Mới tuyến VI với 14 vụ vi phạm, hồ Cầu Mới tuyến V có 11 vụ vi phạm; hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) có 6 vụ vi phạm… Trong năm 2022, công ty đã phát hiện và phối hợp với các địa phương lập biên bản 14 vụ vi phạm đất công trình thủy lợi, xử lý được 9 vụ vi phạm.

Ông Nguyễn Hưng, Trưởng trạm Thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất - Vĩnh Cửu - Trảng Bom cho biết: “Các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi chủ yếu là lấn chiếm lòng hồ để đào ao, đắp bờ, đổ đất, xây bờ kè, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi. Các vi phạm nói trên đa số chỉ lập biên bản, nhắc nhở, thiếu biện pháp xử lý nghiêm như: xử phạt, cưỡng chế, thu hồi. Do đó, các đối tượng vi phạm thường chây ì, khiến tình trạng vi phạm xảy ra đã lâu mà không được xử lý dứt điểm”.

* Thiếu sự đồng bộ trong xử lý

Liên quan đến vướng mắc trong quản lý đất đai tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh đánh giá: “Những công trình thủy lợi được xây dựng trước khi Luật Đất đai được ban hành vào năm 1993, công tác đầu tư chỉ tập trung xây dựng công trình, chưa thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đo đạc và cắm mốc xác định phạm vi bảo vệ công trình. Đây là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm đất tại các công trình thủy lợi”.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh thì một số đơn vị quản lý công trình thủy lợi chưa quan tâm đúng mức đến việc lập hồ sơ pháp lý, hồ sơ đất đai của công trình, cắm mốc chỉ giới giữa đất công trình và đất của người dân dẫn đến khó xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, một số địa phương chỉ xử phạt hành chính, không thực hiện tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu nên chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Dương Xuân Sơn đánh giá: “Nguyên nhân khiến các vụ vi phạm, tranh chấp đất đai của các công trình thủy lợi còn tồn đọng là do một số công trình công ty chỉ nhận bàn giao theo hiện trạng, không có hồ sơ đất đai, quyết định giao đất và bản đồ kèm theo. Do đó, công tác lập hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ rất khó khăn. Ngoài ra, việc phối hợp giữa công ty và địa phương thiếu chặt chẽ nên khó xử lý triệt để các trường hợp vi phạm”.

Quản lý chặt chẽ các công trình thủy lợi, sông, suối sẽ giúp cho Đồng Nai bảo vệ tốt nguồn nước cho hiện tại và tương lai. Hiện nay, nguồn nước ngầm ngày càng sụt giảm thì nước mặt tại các hồ chứa, sông, suối ngày càng trở lên quan trọng, vì thiếu nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và không phát triển được kinh tế - xã hội.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh: “Nước là nguồn tài nguyên quan trọng cần được bảo vệ và khai thác hợp lý để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông - công nghiệp. Vì thế, đơn vị trực tiếp quản lý và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, xử lý dứt điểm việc lấn chiếm đất đai liên quan đến các công trình thủy lợi, sông, suối. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước tập trung từ nguồn nước mặt để hạn chế khai thác nước ngầm”.

Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai sẽ tăng tốc trong phát triển công nghiệp, đô thị, lượng nước cần cho sinh hoạt, sản xuất sẽ tăng cao. Do đó, ngoài quản lý, bảo vệ tốt các hồ, đập, sông, suối sẵn có, tỉnh quy hoạch đầu tư thêm gần 10 hồ chứa nước để tích trữ nguồn nước.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, công ty sẽ phối hợp với các địa phương xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất công trình và yêu cầu các địa phương rà soát, thu hồi sổ đỏ của đơn vị, cá nhân có nguồn gốc đất công trình thủy lợi để giao lại cho công ty quản lý, sử dụng.

Bình Nguyên - Hương Giang

Bài 3: Lo thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích