Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và cần thiết cho mọi lĩnh vực từ phục vụ sinh hoạt đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Do đó, bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và cần thiết cho mọi lĩnh vực từ phục vụ sinh hoạt đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Do đó, bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bài 1: Khai thác nguồn nước ngầm quá mức
Tại Đồng Nai, hệ thống thủy lợi hiện chỉ đáp ứng được hơn 21 ngàn ha sản xuất nông nghiệp, còn lại cả trăm ngàn ha cây trồng vẫn phụ thuộc vào nước ngầm để tưới trong mùa khô. Đồng thời, một số khu công nghiệp (KCN) của tỉnh vẫn sử dụng nước ngầm để sản xuất nên nguy cơ cạn kiệt rất cao.
Nông dân tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) bơm trữ nước trong bể để tưới trong mùa khô. Ảnh: B.NGUYÊN |
Đáng báo động là nước ngầm nhiều nơi trong tỉnh đang bị hụt dưới ngưỡng trung bình dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm rất cao. Nguồn nước ngầm suy giảm mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
* Hơn 150 ngàn ha cây trồng phải dùng nước ngầm, nước mưa
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, Đồng Nai có hơn 170 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, không tính đất nuôi - trồng thủy sản, nhưng tổng năng lực phục vụ tưới của hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ trên 21 ngàn ha, trong đó diện tích ngăn mặn đã gần 6 ngàn ha. Như vậy, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp còn rất ít, hơn 150 ngàn ha cây trồng dựa vào nguồn nước trời và nước giếng khoan.
Vào mùa khô, nhiều vùng sản xuất lớn trong tỉnh như các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ… thường xảy ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất. Do thiếu nước mà nông dân nhiều địa phương giảm mạnh diện tích vụ đông - xuân, cây trồng lâu năm cũng bị ảnh hưởng về năng suất, chất lượng. Đặc biệt, những năm xảy ra nắng nóng kéo dài và hạn hán, nhiều khu rẫy, cánh đồng lúa tại các huyện rất vất vả trong chống hạn.
Theo UBND tỉnh, hiện các công trình cấp nước tập trung khu vực đô thị, nông thôn là hơn 508,5 ngàn m3/ngày đêm. Đến cuối năm 2022, có hơn 27% người dân khu vực nông thôn vẫn sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào cho sinh hoạt. Dự kiến cuối năm 2023, giảm xuống còn hơn 18% người dân nông thôn còn sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và đến cuối năm 2025 còn hơn 11%. |
Ông Lê Ngọc Chánh, nông dân trồng lúa tại ấp Bảo Chánh (xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc) chia sẻ: “Dù ở khu vực này có hệ thống thủy lợi nhưng không ít hộ dân trồng lúa vẫn phải khoan giếng để có nước tưới. Trước đây, giếng khoan nước còn dồi dào, nhưng 3-4 năm trở lại đây, nhiều giếng khoan ở khu vực cánh đồng này cạn kiệt, những người khoan giếng sau phải khoan sâu thêm cả 10-20m rất tốn kém, song nước vẫn không đủ sử dụng”.
Theo nhiều nông dân ở xã Xuân Bắc, hiện rất nhiều hộ phải khoan giếng sâu thêm gấp 2-3 lần so với hơn 5 năm về trước mới có nước tưới cho cây trồng lâu năm. Nông dân lo lắng những năm tới tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới sẽ nghiêm trọng hơn khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt.
Ông Trần Văn Dương (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) cho biết: “Trước đây, vùng này khoan giếng từ 30-35m nguồn nước dồi dào. Tuy nhiên, 3-4 năm nay, nhiều giếng phải khoan đến 100m nhưng vào mùa khô có thời điểm không đủ nước tưới. Những năm xảy ra hạn hán, hơn 4ha xoài, bưởi, quýt của gia đình tôi không đủ nước tưới nên cây ra hoa, đậu trái rất kém, năng suất bị giảm mạnh”.
“Khát” nước sạch cũng là bài toán khó của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh suốt những năm qua. Mỗi năm, khi vào cao điểm mùa khô, nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa tại các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom… người dân lại phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân do nguồn nước ngầm dần suy giảm trong khi tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa được đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung hoặc có đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
* Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm
Do hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nước tưới nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước mưa và nước ngầm. Đặc biệt, tỉnh hiện có gần 170 ngàn ha cây lâu năm, phần lớn sử dụng nguồn nước trời, giếng đào, giếng khoan để tưới. Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là thiếu nước sản xuất trong mùa khô luôn là bài toán khó cho nông dân trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là ở những huyện vùng núi, vùng hay xảy ra khô hạn nặng ở Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ…
Theo Sở TN-MT, toàn tỉnh có 165 giếng khoan nằm trong khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Trong đó, gồm có vùng 1, vùng 3 và vùng hạn chế hỗn hợp. Các khu vực nghĩa trang tập trung, bãi rác đều dừng khai thác nước dước đất và tiến hành trám lấp giếng. |
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng, vào mùa khô một số khu vực ở các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán… mực nước ngầm bị sụt giảm sâu. Nếu không bảo vệ tốt sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm và kéo theo các hệ lụy là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm tầng chứa nước, làm cho đất đai bị sụt lún.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ rõ những vị trí, khu vực ngừng, hạn chế khai thác nước dưới đất để bảo vệ nguồn nước ngầm đang suy giảm ở nhiều khu vực trong tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở TN-MT phối hợp với các địa phương tiến hành trám lấp nhiều giếng khoan, giếng đào và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nước mặt khi có hệ thống nước tập trung về tới nơi.
Đồng Nai có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, công nghiệp phát triển nên nhu cầu về nước cho sinh hoạt, sản xuất rất lớn. Do đó, nếu không quản lý chặt việc cấp phép, khai thác nước ngầm thì nguy cơ cạn kiệt rất lớn. Từ giữa năm 2018, UBND tỉnh đã có chủ trương không cấp phép khai thác nước ngầm đối với các trường hợp nằm trong khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung khai thác từ nguồn nước mặt. Thế nhưng, KCN Nhơn Trạch 1 và KCN Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) vẫn khai thác nước ngầm dù đã có hệ thống cấp nước tập trung đến hàng rào KCN. Tỉnh nhiều lần yêu cầu công ty ngưng khai thác nước ngầm, sử dụng hệ thống nước tập trung để bảo vệ nguồn nước ngầm nhưng công ty đầu tư hạ tầng 2 KCN trên vẫn chưa thực hiện.
Theo Sở TN-MT, chủ đầu tư hạ tầng 2 KCN trên được Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ cho sản xuất trong KCN. Tỉnh đã có kiến nghị Bộ TN-MT rằng 2 KCN Nhơn Trạch 1 và 5 thuộc khu vực hạn chế khai thác nước ngầm, vì có lượng khai thác vượt trữ lượng cho phép và nước bị nhiễm mặn. Tỉnh cũng đề xuất Bộ TN-MT xem xét rút ngắn thời hạn cấp phép khai thác nước ngầm đối với 2 KCN trên. Đồng thời, Bộ TN-MT không nên cấp phép khai thác sử dụng nước ngầm trên địa bàn Đồng Nai với các trường hợp nằm trong khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung khai thác từ nguồn nước mặt, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để bảo vệ nguồn nước ngầm.
Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) Hứa Quốc Bách cho biết: “Trong cấp phép khai thác nước dưới đất, tỉnh rà soát rất kỹ, những khu vực đã có hệ thống nước tập trung sẽ không cấp phép để bảo vệ nguồn nước ngầm. Thế nhưng, với một số doanh nghiệp thuộc Bộ TN-MT cấp phép thì tỉnh chỉ có thể đề xuất hạn chế cấp phép khai thác”.
Ngày 26-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Tuy nhiên, muốn hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm quá mức cho sản xuất công nghiệp rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh và Bộ TN-MT cùng thống nhất trong cấp phép khai thác nước ngầm.
Hương Giang - Bình Nguyên
Bài 2: Nhiều công trình thủy lợi bị lấn chiếm...