Hiện các cơ sở sản xuất khô cá, nem, chả, lạp xưởng, tôm chua… trên địa bàn tỉnh đang rộn ràng vào vụ sản xuất, kinh doanh hàng Tết.
Hiện các cơ sở sản xuất khô cá, nem, chả, lạp xưởng, tôm chua… trên địa bàn tỉnh đang rộn ràng vào vụ sản xuất, kinh doanh hàng Tết.
Chế biến khô cá kìm tại Cơ sở chế biến khô Bích Vân, ấp Bến Nôm, xã Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: B.Nguyên |
Đây đều là những đặc sản được sử dụng nhiều trong dịp Tết nên vẫn khá hút hàng trong tình hình chung hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm gặp khó khăn so với mọi năm.
* Tăng ca làm hàng Tết
Đồng Nai là tỉnh phát triển về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, diện tích mặt nước sông, hồ lớn nên có nguồn nguyên liệu phong phú để làm các món đặc sản phục vụ nhu cầu ẩm thực của người tiêu dùng. Thời điểm này, các cơ sở chế biến đặc sản đều tăng ca nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến của thị trường mùa Tết.
Hơn 1 tháng qua, cơ sở Toàn Dương, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) chuyên làm các món ăn như: khô gà lá chanh, khô gà cháy tỏi, khô heo cháy tỏi, da heo tỏi ớt… phải tăng công suất gấp nhiều lần so với bình thường để đáp ứng được đơn đặt hàng của khách tăng đột biến vào mùa cuối năm. Theo bà Bùi Thị Thùy Dương, chủ cơ sở Toàn Dương: “Cơ sở phải tăng tốc chế biến vì đơn khách đặt hàng tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, nhất là mùa Tết năm nay, đơn hàng tăng hơn nhiều so với năm ngoái”.
Cùng niềm vui vào mùa chế biến lớn nhất trong năm, ông Đàm Quốc Dũng, chủ cơ sở nem chua Việt Huy tại xã Xuân Bình (TP.Long Khánh) cho biết: “Năm nay, Tết Nguyên đán sớm hơn cả tháng so với mọi năm nên cơ sở cũng vào cao điểm sản xuất hàng Tết sớm. Sản lượng các mặt hàng nem bì, nem chua cơ sở sản xuất trong tháng Tết gấp 5-7 lần so với các tháng khác trong năm nên cơ sở phải làm cả ngày, đêm mới đủ nguồn hàng cung cấp ra thị trường”.
Theo một số cơ sở sản xuất đặc sản Tết thì có những mặt hàng phải tăng công suất từ 1-2 tháng trước Tết mới kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Kha, chủ cơ sở lạp xưởng Minh Ngọc tại xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ) cho hay, vì sản phẩm của cơ sở là lạp xưởng tươi nên chế biến đến đâu sẽ giao hàng đến đó chứ không làm sẵn. Theo đó, khoảng 2 tháng trước Tết, cơ sở đã bắt đầu làm hàng Tết và càng về cuối năm lượng hàng sản xuất càng tăng cao. Vì đây là sản phẩm được mua làm quà biếu và sử dụng nhiều trong dịp Tết nên mùa sản xuất cuối năm tăng gấp cả chục lần so với ngày thường. Tuy nguyên liệu và chi phí sản xuất vào mùa Tết tăng cao hơn ngày thường nhưng cơ sở không thay đổi về giá. “Năm 2022, sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm rộng rãi ra thị trường, cơ sở đang có chương trình giảm giá từ 10-15% so với Tết năm ngoái nhằm kích cầu sức mua” - ông Kha chia sẻ.
* Đưa món quê đi xa
Tuy các món ăn đặc sản Tết như: nem, chả, cá khô, tôm chua… rất được thị trường ưa chuộng nhưng nhu cầu tiêu thụ chủ yếu tăng đột biến vào vụ Tết nên đa số các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn đầu tư với quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Cùng với chương trình OCOP, nhiều cơ sở đã được hỗ trợ tham gia làm chứng nhận sản phẩm OCOP; đầu tư hoàn thiện hơn về dây chuyền sản xuất, làm nhãn hàng để các món đặc sản quê mở rộng hơn thị trường và kênh tiêu thụ.
Bà Nguyễn Ngọc Tố Uyên, chủ cơ sở khô bò gia truyền ông Cung tại xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Cơ sở đã hoạt động lâu năm nhưng vẫn làm theo quy mô hộ gia đình. Năm nay, cơ sở tham gia chương trình và đạt sao OCOP của tỉnh với kỳ vọng mở rộng thị trường tiêu thụ cho đặc sản địa phương. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, cơ sở sẽ đầu tư chăm chút hơn cho bao bì, mẫu mã sản phẩm để nâng cấp món đặc sản quê này thành sản phẩm với mẫu mã đẹp, phù hợp làm quà biếu Tết”.
Chia sẻ niềm vui trong mùa Tết năm nay, bà Bùi Thu Bình, chủ cơ sở chế biến giò chả Thu Bình (H.Long Thành) khoe, nhờ các chương trình kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, cơ sở có nhiều cơ hội giới thiệu đến người tiêu dùng ở các đô thị lớn các món đặc sản quê như: chả cá trôi, chả cá thác lác… Đặc biệt, mùa Tết năm nay, các sản phẩm của cơ sở đã được bày bán tại 21 trung tâm MM Mega Market trong cả nước. Ngoài ra, sản phẩm của cơ sở hiện nay được tiêu thụ rất tốt vào các nhà hàng, quán ăn, các điểm dừng chân phục vụ du khách…
Ấp Bến Nôm, xã Phú Cường (H.Định Quán) là bến cá đánh bắt và tập trung nhiều hộ, cơ sở làm các loại khô từ nguồn cá đánh bắt, nuôi trồng trên hồ Trị An. Các cơ sở này hoạt động quanh năm nhưng cao điểm sản xuất là mùa Tết. |
Bình Nguyên