Báo Đồng Nai điện tử
En

Kế hoạch sử dụng đất năm 2023: Tập trung cho rất nhiều dự án

07:01, 07/01/2023

UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) năm 2023. Đây sẽ là cơ sở để cho các chủ đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, sẽ bổ sung mới, hủy bỏ, chuyển tiếp nhiều dự án.

UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) năm 2023. Đây sẽ là cơ sở để cho các chủ đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, sẽ bổ sung mới, hủy bỏ, chuyển tiếp nhiều dự án.

Một dự án giao thông đang thực hiện ở xã Phú An (H.Nhơn Trạch) phải chuyển tiếp cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Ảnh: U.Nhi
Một dự án giao thông đang thực hiện ở xã Phú An (H.Nhơn Trạch) phải chuyển tiếp cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Ảnh: U.Nhi

Theo UBND tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1,5 ngàn dự án được đưa vào kế hoạch SDĐ có diện tích hơn 22 ngàn ha. Trong đó, có 250 dự án bổ sung mới với diện tích hơn 2,1 ngàn ha, còn lại đều là dự án từ những năm trước chuyển qua.

* Bổ sung nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật

Trong kế hoạch SDĐ năm 2023, Đồng Nai bổ sung rất nhiều dự án nhưng đa số trên lĩnh vực giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng khác. Những địa phương đề xuất bổ sung nhiều dự án mới là: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất. Các địa phương phải đưa dự án vào trong kế hoạch SDĐ để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Nếu dự án không nằm trong kế hoạch SDĐ sẽ giậm chân tại chỗ và quá 3 năm không triển khai sẽ bị hủy. Do đó, các chủ đầu tư có dự án đều rất quan tâm, trông đợi kế hoạch SDĐ năm 2023.

Trưởng phòng Quy hoạch Sở TN-MT Đào Thị Thanh Hoài cho biết: “Dự án đưa vào kế hoạch SDĐ năm 2023 phải phù hợp với quy hoạch SDĐ cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, những dự án trên còn phải nằm trong danh mục thu hồi đất đã được HĐND tỉnh thông qua và còn hiệu lực. Như vậy, khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch SDĐ, các chủ đầu tư có thể tiến hành triển khai dự án một cách thuận lợi”.

Cũng theo bà Hoài, số dự án ban đầu các địa phương đề xuất bổ sung mới rất nhiều, nhưng qua lấy ý kiến các sở, ngành và rà soát các tiêu chí, Sở TN-MT đã loại bỏ cả trăm dự án không đảm bảo các quy định.

Công trình, dự án đưa vào kế hoạch SDĐ hàng năm nếu không đầy đủ những yêu cầu về quy hoạch, kế hoạch, nguồn vốn sẽ không thể triển khai. Theo quy định, sau 3 năm không thực hiện xong thu hồi đất và khởi công xây dựng, dự án sẽ bị thu hồi. Lâu nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thường “tham” đề xuất bổ sung rất nhiều dự án mới vào kế hoạch SDĐ hàng năm và danh mục thu hồi đất. Nhưng vì thiếu rà soát kỹ các yêu cầu khác về quy hoạch, quy định đất đai dẫn đến dự án bị “tắc” ở nhiều khâu không thể thực hiện theo đúng lộ trình. Đây cũng là lý do mỗi năm, Đồng Nai phải hủy từ vài chục đến cả trăm dự án.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức chia sẻ, năm 2022, các địa phương đưa vào kế hoạch SDĐ gần 1.520 dự án trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, đến cuối năm chỉ có 66 dự án hoàn thành thủ tục về đất đai, gần 1,1 ngàn dự án đang triển khai và 371 dự án chưa thực hiện. Trong những dự án chưa triển khai, Sở đề xuất hủy bỏ hơn 100 dự án. 

“Tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải rà soát thật kỹ để những công trình, dự án đưa vào kế hoạch SDĐ năm 2023 có đầy đủ các thủ tục, vốn để thực hiện. Mục đích là hạn chế tình trạng dự án quá hạn, trở thành dự án “treo” phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến chất lượng kế hoạch SDĐ và đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án” - ông Đức nói.

* Chú ý dự án quan trọng

Đồng Nai là nơi đang triển khai rất nhiều dự án giao thông kết nối quan trọng của quốc gia, vùng, tỉnh, huyện nên trước khi kế hoạch SDĐ năm 2023 được ban hành, các sở, ngành yêu cầu địa phương rà soát kỹ lưỡng để không “bỏ sót” dự án quan trọng.

Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình lưu ý: “Trong năm 2023, Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều dự án giao thông lớn như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương…, các địa phương phải đưa vào kế hoạch SDĐ để triển khai. Bên cạnh đó, các khu đất lợi thế gần những tuyến giao thông cũng phải đưa vào kế hoạch SDĐ để hoàn tất thủ tục đấu giá, lấy vốn đầu tư các công trình giao thông khác”.

Theo các địa phương, mỗi năm phải cùng lúc triển khai trên dưới 100 dự án trên các lĩnh vực cũng là áp lực rất lớn. Trong đó, đa số dự án phải thu hồi đất của người dân nên kéo theo rất nhiều khâu khác như: kiểm kê số hộ trong dự án, diện tích đất thu hồi, hồ sơ thủ tục liên quan đến các quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… Nhất là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng rất ít khi thực hiện đúng tiến độ.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất khó khăn và thường kéo dài vì còn phải lo tái định cư cho người dân. Có những dự án phải tái định cư cho tái định cư nên nhiều dự án chậm so với tiến độ”.

Năm 2023, TP.Biên Hòa dự kiến triển khai hơn 320 dự án trên diện tích gần 2,8 ngàn ha. Trong đó, thành phố đề xuất bổ sung mới gần 40 dự án, còn lại đều là dự án những năm trước chuyển qua. Với số lượng dự án như trên, rất khó có thể hoàn thành công tác thu hồi đất theo đúng thời gian dự định.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều