Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán hàng là bài toán trọng tâm của doanh nghiệp năm 2023

07:01, 07/01/2023

Do khó khăn về kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang phải tìm cách điều chỉnh lại mô hình, dè dặt hơn trong sản xuất, kinh doanh để bám sát thị trường với bài toán trọng tâm là thúc đẩy doanh số bán hàng.

Nền kinh tế toàn cầu suy thoái đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Đồng Nai. Hàng loạt dự báo kém lạc quan khiến không ít DN đang lo ngại tình hình bất lợi có thể còn kéo dài đến giữa năm 2023.

Gia tăng doanh số bán hàng đang là bài toán trung tâm của doanh nghiệp trong năm 2023. Ảnh: V.Gia
Gia tăng doanh số bán hàng đang là bài toán trung tâm của doanh nghiệp trong năm 2023. Ảnh: V.Gia

Theo Sở KH-ĐT, Đồng Nai có hơn 48 ngàn DN, nhiều DN, cơ sở đang phải tìm cách điều chỉnh lại mô hình, dè dặt hơn trong sản xuất, kinh doanh để bám sát thị trường với bài toán trọng tâm là thúc đẩy doanh số bán hàng sau thời gian dài bị ảnh hưởng.

* Xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý

Là chủ DN với hơn 10 cửa hàng, siêu thị bán lẻ điện máy trong và ngoài tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Điện máy nội thất Gia Vĩnh (TP.Biên Hòa) Bùi Đức Vĩnh cho hay, dù là dịp cuối năm nhưng sức mua lại giảm sút so với các năm trước. Thời gian trước, ông tăng tốc phát triển, mở rộng hệ thống ra các vùng ven đô thị Biên Hòa, hiện nay chiến lược sản xuất, kinh doanh đang được tính toán lại với phương châm tiến chậm mà chắc.

Có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng chính là sự kỳ vọng của nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai. Với họ, kỹ thuật, công nghệ, chất lượng sản phẩm là điều có thể cải thiện được, song việc kết nối, hợp tác với bạn hàng thì vai trò từ phía Nhà nước là rất lớn.

Theo đó, công ty đang rà soát lại hoạt động, chưa vội mở thêm các cửa hàng mới mà tập trung vào kinh doanh thương mại bán lẻ hàng điện tử, điện máy và lĩnh vực kinh doanh xe máy, nội thất.

“Khó khăn là tình hình chung của các ngành chứ không riêng gì DN bán lẻ, chúng tôi sẽ nỗ lực tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động” - ông Vĩnh chia sẻ thêm.

Tương tự, năm vừa qua với Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food, H.Trảng Bom) có nhiều dấu ấn quan trọng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng DN này vẫn luôn nỗ lực phát triển cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Đặc biệt, công ty đã mạnh dạn hoàn tất các thủ tục niêm yết cổ phần lên sàn chứng khoán.

 Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food cho hay: “DN kỳ vọng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ tạo thêm nguồn lực để có bước phát triển vững chắc hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, cùng với tiếp tục mở rộng quy mô, năng lực sản xuất thì vấn đề đào tạo nhân lực là điều quan trọng hàng đầu”.

Theo chu kỳ, từ tháng 11, các DN sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho những năm tiếp theo với các kịch bản cho sẵn. Tuy vậy, việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2023 rất khó vì tình hình biến động khó lường. Nguy cơ vẫn còn hiện hữu vì đơn hàng giảm, việc làm không đủ cho lao động, nếu không khéo thu xếp, đảm bảo chi trả thu nhập sẽ mất lao động, khi thị trường phục hồi trở lại sẽ thiếu nguồn lực sản xuất.

Trong bối cảnh những biến động về thị trường, lao động, tỷ giá, lãi suất… rất khó đoán như hiện nay, DN phải có sự linh hoạt để dù rơi vào trường hợp nào thì vẫn có thể ứng phó được. Như vậy mới giảm thiểu thiệt hại, có việc làm để giữ chân người lao động chờ cơ hội phục hồi.

* Cần tập trung cho bài toán bán hàng

Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn hiện nay DN đối mặt với hàng loạt khó khăn cùng lúc nên cần nhận diện rõ đâu là vấn đề cốt lõi để ưu tiên giải quyết.

Ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, Chủ tịch Học viện Kinh doanh và tài chính BizUni cho rằng, vấn đề lớn nhất của nhiều DN vừa và nhỏ chưa hẳn là tài chính, dòng tiền mà là marketing, bán hàng, vì nếu bán hàng được thì sẽ ổn định hơn.

Theo quan sát của ông, ngành xuất khẩu nông sản năm nay vẫn tốt, có một số DN thấy khó khăn đã chuyển lên sàn thương mại điện tử và từ đó xuất khẩu tốt hơn. Do đó, việc bán hàng cần có chiến lược kinh doanh tốt, đồng thời có giải pháp quản trị tài chính lâu dài. DN phải tiết kiệm, tìm giải pháp giảm chi phí cố định, bởi vì khi rủi ro xảy ra thì chi phí cố định là một khoản rất lớn.

Tương tự, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM nhận định, tình hình năm 2023 sẽ còn nhiều yếu tố khó đoán. Trong đó, giảm cầu của thị trường thế giới, tỷ giá, lãi suất biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ được nới lỏng khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Liêm, ngay từ bây giờ, DN cần phải thực hiện các kịch bản ứng phó thay đổi thị trường xuất khẩu, tìm kiếm khai thác thị trường và đơn hàng mới. Các thị trường chính, DN cần khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Hiện nay, việc tận dụng khai thác các hiệp định thương mại vẫn còn kém. DN cần tận dụng các chương trình kích cầu nội địa và xúc tiến thương mại trong tình huống đơn hàng xuất khẩu vẫn sụt giảm. Tuy nhiên, vấn đề này cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ phía Nhà nước để trợ giúp DN.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt hơn 180 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2021. Hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá không có biến động nhiều, thị trường tương đối bình ổn.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích