Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất theo chuẩn thị trường xuất khẩu

07:12, 03/12/2022

Thời gian gần đây, nhiều thị trường lớn trên thế giới đã mở cửa nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi các nước nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe. Để đáp ứng thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải bắt đầu từ khâu sản xuất với sự thay đổi về tư duy, thói quen của người nông dân.

Thời gian gần đây, nhiều thị trường lớn trên thế giới đã mở cửa nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi các nước nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe. Để đáp ứng thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải bắt đầu từ khâu sản xuất với sự thay đổi về tư duy, thói quen của người nông dân.

Nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh đang được nhân rộng mã số vùng trồng. Trong ảnh: Thu hoạch xoài xuất khẩu tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh đang được nhân rộng mã số vùng trồng. Trong ảnh: Thu hoạch xoài xuất khẩu tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây tươi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ về xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.

* Thay đổi thói quen canh tác

Tại hội thảo Triển khai công tác phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn Đồng Nai tổ chức vào cuối tháng 11, TS Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam (Bộ NNPTNT) hướng dẫn về những thách thức đối với nông sản Việt Nam liên quan đến dư lượng thuốc BVTV, các giải pháp nhằm giảm nguy cơ dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.

TS Trần Thanh Tùng chỉ ra, hiện bà con nông dân, ngay cả cán bộ kỹ thuật cũng chưa rõ về danh mục thuốc BVTV bị cấm và đa số nông dân vẫn sử dụng thuốc sai. Trước đây, nông dân chủ yếu quan tâm đến phòng trừ dịch bệnh, nay phải vừa quan tâm phòng trừ dịch bệnh, vừa phải quan tâm đến dư lượng thuốc trên nông sản. Nông dân phải bỏ quan điểm thị trường dễ tính - khó tính vì không còn nữa. Cả thị trường trong nước cũng như Trung Quốc vốn được xem là thị trường dễ tính hiện nay đã đưa ra các tiêu chuẩn không thua gì so với thị trường khó tính như châu Âu.

Nhiều năm qua, nông dân có xu hướng tăng liều lượng thuốc BVTV cao hơn nhiều so với hướng dẫn. Đây là nguyên nhân gây tồn dư lượng thuốc BVTV trên cây ăn trái. Nông dân còn có thói quen phun thuốc BVTV định kỳ với mong muốn phòng sâu bệnh, nhưng thực tế việc sử dụng theo kiểu này sẽ làm tăng khả năng kháng thuốc của sâu bệnh. Nông dân phải tuân thủ các nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV gồm: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ, nhất là đảm bảo thời gian cách ly; sử dụng các hoạt chất sinh học trong giai đoạn cuối vụ...

Thách thức không nhỏ của thị trường xuất khẩu là mỗi nước đưa ra tiêu chuẩn, quy định khác nhau nên nhà vườn cần nắm vững yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, chú ý thuốc cấm sử dụng tại nước nhập khẩu…

* Truy xuất nguồn gốc

Để trái cây đủ điều kiện tham gia vào thị trường xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH, việc cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tỉnh đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.

Cụ thể, trong tháng vừa qua, Sở NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội thảo triển khai công tác phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, thuốc BVTV cho cán bộ ngành Nông nghiệp cũng như các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên địa bàn tỉnh… Mục tiêu nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Trong đó, tỉnh rất chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương. Đây là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay. Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất được nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng. Để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, tập thói quen ghi nhật ký sản xuất…

Nhật ký sản xuất hay còn gọi nhật ký đồng ruộng, nhật ký canh tác là nơi người nông dân ghi lại hoạt động sản xuất của mình và các mốc thời gian tương ứng với các hoạt động đó. Nhật ký tập hợp các thông tin về quá trình tạo ra sản phẩm, hình thành nên một hồ sơ sản phẩm. Các thông tin hồ sơ sản phẩm như thế ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với hàng hóa nông sản. Đó là cơ sở để người tiêu dùng kiểm chứng sản phẩm có được sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

Hoạt động ghi nhật ký tới nay còn nhiều bất cập, vì đa số nông hộ và các cơ sở sản xuất còn chưa ý thức rõ về lợi ích hoạt động này. Việc thực hiện thủ công, ghi chép vào sổ lại tồn tại nhiều nhược điểm như: tốn nhân lực, thời gian cho việc ghi chép; sao lưu nhiều lần dẫn đến sai sót; dữ liệu không đồng bộ do mỗi người ghi một kiểu, dẫn đến thể hiện không đồng nhất và khó thống kê…

Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, nông dân rất ngại ghi nhật ký canh tác, nhưng hiện đã có giải pháp nhật ký điện tử; ứng dụng công nghệ số để kiểm soát theo chuỗi từ đầu vào, đầu ra. Nếu làm theo quy trình truyền thống qua giấy tờ, nguy cơ giả mạo lớn. Ứng dụng điện tử thay thế giấy tờ sổ sách giúp đơn giản và dễ sử dụng. Nhờ đó, bản thân người trồng quản lý được công việc, cây trồng của mình. Cơ sở đóng gói quản lý được chặt chẽ mọi khâu, hạn chế tình trạng mạo danh vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Lê Quyên

Tin xem nhiều